30 năm mưu sinh với nghề hô "khắc nhập, khắc xuất"

Quốc Triều

(Dân trí) - Cuộc sống phát triển, những vật dùng làm từ tre dần bị thay thế bằng các vật liệu phổ biến hơn như gỗ, nhựa… Thế nhưng tại Quảng Ngãi vẫn có những người thợ quyết bám trụ với cây tre.

Ông Lê Văn An (xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa) gắn bó với nghề làm thang, giường tre hơn 30 năm qua. Với ông, cái nghề tưởng chừng bị quên lãng này vẫn là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Theo ông An, nghề làm sản phẩm từ tre ngày càng khó khăn hơn. Vật liệu khan hiếm, giá cả tăng cao, trong khi giá thành sản phẩm lại thấp. Chỉ có ai thật sự yêu nghề mới còn bám trụ.

30 năm mưu sinh với nghề hô khắc nhập, khắc xuất - 1

Vợ chồng ông Lê Văn An bám trụ với nghề làm thang, giường tre suốt 30 năm (Ảnh: Quốc Triều).

Người đàn ông 63 tuổi thoăn thoắt chuốt thân tre, chẻ nan rồi hì hụi cưa, đục để làm giường tre. Mỗi chiếc giường tre cần 1,5 cây tre già với chi phí khoảng 100.000 đồng. Mỗi buổi, ông An có thể hoàn thành một sản phẩm. Giá bán mỗi chiếc giường tre chỉ 140.000-150.000 đồng.

"Tính ra mỗi buổi tôi bỏ công ra làm một sản phẩm kiếm được 40.000-50.000 đồng. Nghe thì bèo bọt nhưng bù lại vì giá rẻ nên giường tre, thang tre nhà tôi được nhiều người mua. Ở cái tuổi này được làm công việc mình thích, sản phẩm vẫn còn người dùng là vui rồi", ông An nói.

Những người bám trụ với nghề như ông An ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Không chỉ thị trường tiêu thụ bị thu hẹp mà nguồn vật liệu cũng khan hiếm hơn.

Theo ông An, ông phải mất cả ngày rong ruổi khắp các huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn, Mộ Đức... mới có thể mua được tre.

"Tre trồng dọc sông thì không ai bán, vì đó là tre giữ đất, ngăn sạt lở. Còn tre trong vườn, hầu như không còn mấy nhà giữ lại. Nhiều nhà, mới năm trước còn một vườn toàn tre là tre, nhưng năm sau đã chặt bỏ để làm tường rào bê tông", ông An chia sẻ.

30 năm mưu sinh với nghề hô khắc nhập, khắc xuất - 2

Nghề đan giỏ tre mang về thu nhập 150.000-200.000 đồng mỗi ngày (Ảnh: Quốc Triều).

Ông Nguyễn Quả (59 tuổi, xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi) gắn bó với nghề đan giỏ tre hàng chục năm qua.

Theo ông Quả, tre Quảng Ngãi có 3 loại chính là tre gai, tre cơm và tre làng ngà. Những người làm nghề đan giỏ như ông Quả chỉ chọn loại tre cơm. Đây là loại tre đủ độ dẻo dai để đan những chiếc giỏ tre bền, đẹp.

Đôi tay thoăn thoắt chuốt tre cho những người thợ tại xưởng kịp đan giỏ, ông Nguyễn Quả nhớ lại, ngày trước xóm này có hơn 100 hộ dân làm nghề tre đan. Bây giờ tre khan hiếm, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp nên cả xóm chỉ còn chừng 10 hộ giữ nghề.

"Muốn trụ được với nghề phải chịu khó đi kiếm tre để giảm giá thành sản phẩm. Nghề này chỉ lấy công làm lời, nếu mình bán giá cao sẽ không ai mua mà chuyển sang dùng thùng xốp, giỏ kim loại", ông Quả chia sẻ.

30 năm mưu sinh với nghề hô khắc nhập, khắc xuất - 3

Một người thợ ở huyện Tư Nghĩa đẩy thang tre lên trung tâm TP Quảng Ngãi bán (Ảnh: Quốc Triều).

Cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, làng nghề tre đan cũng đứng trước nhiều trầm lắng vì thời cuộc.

Vào những năm 2000, khi các loại đồ dùng bằng nhựa giá rẻ như thau, rổ và các loại tấm vải bạt bắt đầu bày bán tràn lan cũng là lúc các sản phẩm tương tự từ tre rơi vào cảnh ế ẩm.

Không đành lòng nhìn nghề tre đan "chết yểu", người dân chuyển hướng sang đan các giỏ tre theo đơn đặt hàng của thương lái.

Một thời, giỏ đựng cau bằng tre lên ngôi nhưng rồi cũng sớm trầm lắng. Dần về sau, khi thương lái bắt đầu sử dụng xe đông lạnh để chở cau, cũng là lúc mặt hàng này không còn chiếm ưu thế.

Dù gặp khó khăn nhưng nhiều người vẫn quyết bám lấy nghề truyền thống. Họ đẩy từng chiếc thang tre, giường tre từ làng ra phố để chào mời. Họ đến từng tiệm bán hoa để chào bán các giỏ tre đựng hoa... Mỗi người đều mang trong lòng niềm hy vọng những vật dụng từ tre được mọi người sử dụng phổ biến trở lại.