1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

"Xù lông nhím" khi sếp góp ý, nữ nhân viên khốn đốn trong dịch Covid-19

Hoài Nam

(Dân trí) - Sau 3 năm ra trường, cô gái Lê Ngọc Mai nhảy việc đến 7 chỗ. Dịch ập đến khiến quá trình nhảy việc bị ngừng trệ. Giờ thì cô gái trẻ còn không còn có tiền để phòng thân.

Tốt nghiệp chuyên ngành báo chí, Lê Ngọc Mai theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực truyền thông. Tôn sùng phong cách "làm việc phải vui", từ ngày ra trường đi làm, chỉ cần lời góp ý hay nặng lời từ quản lý là Lê Ngọc Mai nói lời "bye bye" ngay. 

Ra trường được 3 năm, cô nhảy việc đến 7 lần, nơi gắn bó nhất kéo dài không đến nửa năm. Có khi, chỉ sau một cuộc gọi, một status về công việc hay trao đổi qua chat với sếp là cô tự ái, "xù lông nhím" và nghỉ việc luôn. 

Xù lông nhím khi sếp góp ý, nữ nhân viên khốn đốn trong dịch Covid-19 - 1

Nhiều nhân sự trẻ chỉ cần nghe góp ý là "xù lông nhím" nghỉ việc (Ảnh minh họa).

Đầu năm 2021, Lê Ngọc Mai vào làm truyền thông nội bộ cho một ngân hàng có trụ sở ở Quận 1 (TPHCM) với mức lương ban đầu gần 20 triệu đồng. Tưởng đâu xuôi xuôi thì đầu tháng 5 vừa rồi, Mai đã cập nhật trạng thái "tự do muôn năm".

Nghe Lê Ngọc Mai nói lý do, nhiều người té ngửa. Đầu đuôi câu chuyện chỉ là việc cô bị sếp quản lý trực tiếp trao đổi có vẻ căng thẳng về lỗi thường gặp trong thể hiện văn bản như hay bị lặp từ, câu cú thiếu chủ ngữ... "Xả" xong, sếp trả bài vở, báo cáo yêu cầu cô sửa lại.

Nữ nhân viên khó chịu khi cho rằng người đi trước đã lạc hậu còn hay áp đặt, đòi hỏi. Quan điểm "đời chỉ sống một lần, sao phải chịu đựng nhau", cô nghỉ không luyến tiếc.

Biết bạn bè nhiều người gắn bó với nơi làm việc dù nhiều áp lực, cực khổ hay chịu đựng sếp nặng lời, khó tính, Lê Ngọc Mai lại đầy thương cảm, tuyên bố: "Làm việc mệt mỏi vậy thà nhịn đói còn hơn".

Đi làm nhiều năm nhưng liên tục nhảy việc, nơi nào cũng chỉ lướt qua vài tháng nên cô không nhận được những chính sách thưởng, chăm sóc dài hạn của công ty. Quanh năm chỉ nhận mức lương khởi điểm, thu nhập chỉ đủ sống. Khi dịch bệnh ập đến, Lê Ngọc Mai gần như không có tiền phòng thân. 

Cô cũng nộp hồ sơ xin việc một vài nơi nhưng đang ảnh hưởng bởi dịch giờ muốn thuộc về một nơi cũng không dễ. CV liên tục "nhảy cóc" cũng là một rào cản để cô tiếp cận công việc mới.

Thất nghiệp và gặp khó khăn trong dịch Covid-19, dù có năng lực nhưng không lo nổi cho bản thân, mới đây Lê Ngọc Mai đăng ký về quê nhà ở một tỉnh miền Tây.

Đau đầu với nhân sự trẻ 

Chỉ cần một lời trao đổi, hướng dẫn hay không vừa lòng từ sếp cũng có thể làm nhân viên trẻ bất mãn, chia tay không lời từ biệt. Nhiều quản lý không thể nào hiểu nổi và vô cùng mệt mỏi, thậm chí có người trở nên e ngại góp ý với nhân viên vì như đụng phải "tổ kiến".

Tình trạng nhân viên nhận việc rồi "nhảy" ảnh hưởng lớn đến hoạt động, gây tốn kém công sức, tiền bạc của các doanh nghiệp là vấn nạn làm đau đầu các nhà quản lý gần đây. 

Xù lông nhím khi sếp góp ý, nữ nhân viên khốn đốn trong dịch Covid-19 - 2

Hòa nhập, thích nghi là kỹ năng quan trọng hàng đầu của nhân sự (Ảnh có tính minh họa).

Trong diễn đàn "Đối thoại với gen Z" được tổ chức tại TPHCM thời gian qua,  bà Thi Anh Đào, CEO một doanh nghiệp thương mại điện tử ở TPHCM, cho rằng các bạn trẻ bây giờ không có khái niệm về sự chịu đựng công việc cực khổ để kiếm tiền mưu sinh. Họ sẽ nghỉ khi đi làm không vui, công việc không đáng để chịu đựng những cảm xúc tiêu cực. 

Người trẻ có nhiều lợi thế như nhanh, đẹp về hình thể lẫn tư duy, có khả năng giao tiếp tốt... Nhưng theo bà Thi Anh Đào, cái gì quá cũng có thể trở thành hạn chế, nhanh quá nên các bạn không kịp ngẫm nghĩ trước các quyết định cần chậm một chút.

Trình độ chưa chắc đã bằng thái độ?

Các nhà tuyển dụng luôn nhấn mạnh "trình độ không bằng thái độ". Giữ cá tính của mình nhưng nhân sự cần phân biệt giữa "cá tính" và "quái tính", giữa cá tính và cái tôi thái quá. 

Ở góc độ giáo dục, TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia phân viện TPHCM bày tỏ: "Với quan điểm con như tờ giấy trắng, khi dạy dỗ ban đầu, nhiều phụ huynh chỉ muốn viết lên những điều tốt đẹp, bao bọc con trong những hoàn cảnh tốt nhất, tránh không để con phải va chạm hay đối mặt các khó khăn, trục trặc trong cuộc sống".

Việc hướng đến điều tốt là điều đúng. Nhưng nếu tuyệt đối hóa điều này, tránh sự phân tích mặt trái phải trong cuộc sống thì có thể làm trẻ thiếu trầm trọng kỹ năng sống, thiếu khả năng tự lập, tự chủ trong cuộc sống vốn phức tạp.

Về lâu dài và thậm chí khi trưởng thành đủ để bước chân vào thị trường lao động, một số không ít những bạn trẻ khó có sự hòa hợp, thích nghi để sống hài hòa với tập thể.

Để thích nghi, nhân sự cần "nắn" mình, cân nhắc các quyết định, hạ cái tôi để mở rộng thái độ học hỏi, lắng nghe. Tâm lý tự ái có thể làm chúng ta mất nhiều cơ hội học tập cũng như phát triển bản thân.

Ngoài ra, các nhà quản lý cũng cần giải mã" đặc điểm của nhân sự trẻ, hiểu họ để có sự điều chỉnh phù hợp trong giao tiếp, ứng xử công việc. Qua đó, cùng hỗ trợ nhân sự trẻ vì đây chính nguồn nhân lực chính trong các doanh nghiệp.