"Treo niêu" vì Covid-19, nữ thư ký phải cầu viện ba mẹ
(Dân trí) - Thu nhập giảm sốc, tiền dự trữ gần như không còn, Nguyễn Minh Thương, thư ký giám đốc bị "kẹt" giữa Sài Gòn và sống nhờ trợ cấp từ gia đình.
Thư ký mất "đất dụng võ"
Cô gái Nguyễn Minh Thương (27 tuổi) được nhận làm thư ký giám đốc một doanh nghiệp nhôm kính ở TPHCM được hơn 2 năm qua. Thời gian trước Covid-19, cô luôn thầm nghĩ: Thư ký được ví như "người giúp việc", cánh tay nối dài của giám đốc.
Vị trí này là kênh kết nối giám đốc với các bộ phận, nhân viên; chuẩn bị hồ sơ sổ sách, văn bản; nắm bắt thông tin một cách nhanh nhất để kịp thời báo cáo.
Thư ký giúp xây dựng lịch trình cho giám đốc. Đôi khi cô có thể thay mặt sếp quản lý tình hình chung, nhất là trong các hoạt động đối ngoại, gặp gỡ, ký kết với khách hàng.
Nhưng khi chuyển qua làm việc online trong mùa dịch Covid-19, thư ký không có "đất dụng võ".
Giấy tờ sổ sách, quản lý nhân sự đã có nhân viên văn phòng, hành chính. Còn cố vấn cho giám đốc thì có các phó giám đốc, trợ lý, quản lý các phòng ban, không đến lượt thư ký.
Các công việc đối ngoại, ký kết lúc này, qua các phòng ban chuyên môn, giám đốc cũng làm việc trực tiếp, không còn rình rang... cũng không cần thư ký.
Hình ảnh quen thuộc của nữ thư ký lo mọi việc cho sếp, ăn mặc long lanh, ôm tập hồ sơ đi bên cạnh sếp... giờ gần như đã "xa vời".
Không nói ra một cách thẳng thừng, nhưng khi hoạt động của công ty chuyển qua online, Nguyễn Minh Thương tự thấy không còn được phát huy vai trò.
Tốn kém chi phí đầu tư
Nhắc đến công việc thư ký giám đốc, nhiều người tưởng "oai", nhưng như vị trí của Nguyễn Minh Thương chỉ nằm trong khung lương bộ phận hành chính của công ty.
Cô mới vào nghề chưa lâu, lương tháng ban đầu 11 triệu đồng, mới tăng lên 15 triệu chưa được 3 tháng. Nay thì cô "treo niêu" và bị giảm lương chỉ còn chưa đến 5 triệu đồng.
Bản thân không phải là người hoang phí, nhưng công việc kèm "cái mác" thư ký khiến cô khá tốn kém trong các khoản đào tạo, đầu tư... nên gần như chưa có tiền tiết kiệm.
Hiện nay, chưa có ngành nào đào tạo chuyên về thư ký, chủ yếu nhân sự học nghề khác ra "ôm sân", như Nguyễn Minh Thương là học quản trị kinh doanh.
Đây là công việc "đa di năng", cô phải đầu tư học nghiệp vụ thư ký, ngoại ngữ, quản trị kinh doanh, hành chính nhân sự, phần mềm văn phòng, thuyết trình và cả giao tiếp. Xin tiền bố mẹ hay vay để đi học là chuyện thường.
Theo Nguyễn Minh Thương, khi công ty cắt giảm thu nhập, có người còn xì xầm: Cô là "cạ riêng" của sếp, chắc không ảnh hưởng gì.
"Điều tiếng là do con người chứ không phải ở ngành nghề. Thư ký cặp bồ giám đốc chắc chỉ toàn trên phim, chứ thư ký cũng như một nhân viên hành chính mà thôi", cô bộc bạch.
Công việc yêu cầu cao về hình thức nên cô tốn kém cho thời trang, mỹ phẩm. Ngay cả chỗ trọ, công ty hay đến đưa đón nên cô cũng phải tìm chỗ nhìn được.
"Bộ phận văn phòng chỉ cần mặc đồng phục của công ty. Còn công việc của tôi đòi hỏi thời gian đi ra ngoài giao tiếp nên mất chi phí cho quần áo, giày dép đủ kiểu. Khoản ít tốn nhất là tiền ăn vì hay đi ăn tiệc", Nguyễn Minh Thương nói.
Ngoài công việc thư ký, cô còn nhận show dẫn chương trình kiếm thêm nhưng ảnh hưởng dịch, công việc này cũng "treo niêu".
Công ty cắt giảm, lương chỉ còn đủ tiền trọ. Khoản tiền tiết kiệm ít ỏi nhanh chóng cạn kiệt. Hơn 2 tháng nay, cô phải cầu viện tới ba mẹ.
Còn ít kinh nghiệm, thu nhập thì không đảm bảo chi phí sinh hoạt nhưng Nguyễn Minh Thương vẫn theo đuổi công việc này.
Cô thích hướng ngoại và giao tiếp. Làm thư ký, cô kỳ vọng có nhiều cơ hội tiếp xúc, học hỏi. Khi có kinh nghiệm, Nguyễn Minh Thương tin thu nhập sẽ ổn hơn cũng như có cơ hội phát triển, thăng tiến.
Cơ hội nào cho nghề thư ký trong tương lai?
Theo một số chuyên gia, công việc thư ký, đặc biệt là thư ký giám đốc ngày càng ít cơ hội việc làm. Bởi sự cạnh tranh của công nghệ có thể hỗ trợ đắc lực cho các nhà quản lý. Nhất là khi công việc vận hành theo công nghệ số, thư ký kinh doanh càng dễ bị "cắt giảm". Tuy nhiên, các thư ký chuyên môn như: Thư ký y khoa, thư ký luật... vẫn trong nhóm ngành nghề có nhu cầu không ngừng tăng.