"Sĩ diện không ăn được", dân công sở lao vào kiếm việc 50.000 đồng/ngày
(Dân trí) - Quen mức thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng, nhiều nhân viên văn phòng chưa từng nghĩ có lúc phải lắp đồ trang trí để kiếm 50.000 đồng/ngày, chuyên viên thiết kế thì nhặt lông yến để có thêm thu nhập.
Dân văn phòng kiếm việc phổ thông
Là nhân viên văn phòng tại một công ty vàng bạc ở TPHCM, ngay từ giữa tháng 5, ảnh hưởng của dịch, chị Thúy Hậu đã chuyển qua làm việc tại nhà. Khi thành phố giãn cách, các tiệm vàng đóng cửa thì chị cũng... hết việc.
Mức thu nhập ổn định 20-25 triệu đồng/tháng, đời sống của chị Thúy Hậu lâu nay thoải mái. Giờ chị chỉ còn nhận được 3,3 triệu đồng lương tháng cơ bản, không đủ trả tiền trọ, điện nước, lại còn đứng trước nguy mất việc.
Chị Thúy Hậu cuống cuồng kiếm việc làm thêm tại nhà. Nhưng khi lên mạng, chị toàn thấy việc không rõ ràng, thậm chí có nơi bắt phải đặt cọc mới được "tiếp cận" công việc. Một số việc "làm thật ăn thật" thì lại nằm ngoài khả năng của chị.
Nữ nhân viên văn phòng này đã thử việc tư vấn khách hàng, viết bài giới thiệu sản phẩm... Nghe hứa hẹn trả công theo tuần nhưng làm nửa tháng không thấy tiền đâu, trong khi lúc này chị cần "tiền tươi thóc thật". Cuối cùng, chị đành "chốt đơn" với việc làm thủ công tùy và "năng lực" của đôi tay và sự kiên trì với mức thu nhập chỉ vài chục ngàn đồng/ngày.
Chị Thúy Hậu theo cô chú cạnh phòng trọ nhận lắp đồ trang trí sản phẩm Noel, lễ tết. Gắn 3 miếng thành một sản phẩm được trả công 70 đồng. Mỗi ngày chị gắn được khoảng 500 cái, tiền công 35.000 đồng.
"Hôm nào chăm chỉ, ngồi gắn cho hoa mắt, sụn cả lưng thì may ra được trên 50.000 đồng", chị Thúy Hậu kể.
Cô gái bị "sốc" vì không thể hình dung nổi kiếm tiền khó đến như vậy. Nhưng chí ít lúc này, tiền công ít ỏi đó giúp chị xoay xở tiền ăn uống để trụ lại thành phố. Hơn nữa, bận rộn cũng giúp chị bớt buồn chán trong điều kiện giãn cách ở nhà 24/24.
"Sĩ diện không... ăn được!"
Đi làm nhiều năm, chị Thanh Loan, nhân viên thiết kế ở Quận 1 đang quay lại với công việc từng ám ảnh từ hồi sinh viên: Nhặt lông ở các tổ yến khô.
Ngay từ đầu dịch Covid-19, công ty đã đóng cửa. Tin buồn này cũng đem tới hệ lụy: Chị Thanh Loan mất việc với khoản thu nhập 22 triệu đồng hàng tháng.
Tiền trọ, chi phí, ăn uống, thêm một vài món đồ mua trả góp, khoản tiết kiệm ít ỏi của chị Thanh Loan cạn trong chốc lát. Cô gái đối diện với thực tế: Nếu không kiếm ra tiền, chỉ còn nước về quê, mà giờ muốn về cũng không dễ.
Tìm một vài việc tại nhà nhưng không đâu đến đâu, lúc bế tắc, Thanh Loan nhớ đến bà chủ nhà yến. Nơi mà chị đã làm thêm nhiều năm từ hồi sinh viên.
Thanh Loan e ngại, cũng chần chừ mất mấy ngày mới đánh liều vào mở lời và có việc ngay lập tức. Chỗ quen biết, tin tưởng nên chị được nhận yến về chỗ trọ làm.
Cô gái có tay nghề từ trước nên được trả công nhặt 250.000 đồng cho 100 gam yến, gấp đôi cách đây 6 năm. Có điều thời đó, một ngày công Loan có thể nhổ hết 100g. Còn bây giờ ngồi nhổ được lúc là uể oải, có khi 2-3 ngày chưa kiếm nổi 200.000 đồng.
Nói về công việc nhận giao thịt cá, mắm muối trong nội bộ chung cư ở Thủ Đức, TPHCM, Hoàng Xuân Trường thẳng thắn: "Sĩ diện không ăn được!".
Anh Hoàng Xuân Trường là nhân viên phát triển khách hàng tại một phòng gym, lương tháng cố định chỉ 9 triệu đồng. Tuy nhiên, anh có thêm tiền hoa hồng, lại được giao phụ trách thêm mảng bán sản phẩm chức năng nên sống khỏe.
Phòng gym đóng cửa từ tháng 5, anh Hoàng Xuân Trường thất nghiệp đã hơn 3 tháng. Thời gian đầu, anh bán gà nướng của một mối quen. "Chạy" êm ru chưa được vài tuần thì cô nướng gà bị cách ly, anh thì mất việc.
Mới đây, biết bác cạnh nhà cần người giao thịt cá, mắm muối ngay trong chung cư, anh Hoàng Xuân Trường liền hỏi. Còn bác nghe xong tưởng anh đùa. Khi biết anh có ý định nghiêm túc, bác "tuyển" ngay, tiền công mỗi đơn 10.000 đồng.
Mỗi ngày anh Hoàng Xuân Trường giao 15-20 đơn, chỉ mất 2-3 tiếng đồng hồ. Chàng nhân viên phòng gym cũng đang tìm thêm vài mối để giao hàng trong chung cư để kiếm thêm thu nhập.
"Đến giám đốc, ông chủ giờ còn đi bán gà, bán rau mưu sinh thì tôi có gì phải ngại. Với tôi việc làm lúc này không còn văn vẻ lý tưởng, hưởng thụ gì hết mà là để sinh tồn", anh Hoàng Xuân Trường bộc bạch. Thậm chí nhờ bươn chải thế này, anh mới biết quý đồng tiền hơn.