1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thu nhập mỗi năm trên nửa tỷ đồng, vài tháng dịch đã... "ngả nghiêng"

Hoài Nam Quỳnh Như

(Dân trí) - Hiểu lệch về lối sống YOLO (You only live once), Đặng Thùy Linh (TPHCM) có quan niệm thiên về hưởng thụ vật chất, làm đến đâu tiêu đến đó. Khi đến mùa dịch Covid-19, cô đã phải "ngả nghiêng".

Thu nhập từ 40 triệu đồng "rớt" còn... 3 triệu đồng

Khoản tiền tiết kiệm ít ỏi vơi đi một cách nhanh chóng, lần đầu tiên "cô gái sự kiện" Đặng Thùy Linh, 28 tuổi nhấp nhổm khi đền kỳ hạn đóng tiền nhà, điện nước, quản lý chung cư cùng hàng loạt hóa đơn.

Đặng Thùy Linh là trưởng nhóm bộ phận event một công ty truyền thông ở TPHCM, thu nhập trên dưới 40 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng. Tổng thu nhập mỗi năm của Linh tầm 600 triệu đồng. 

Thu nhập mỗi năm trên nửa tỷ đồng, vài tháng dịch đã... ngả nghiêng - 1

Nhiều bạn trẻ chạy theo lối sống tiêu cho đến đồng tiền cuối cùng (Ảnh minh họa)

Ai biết Đặng Thùy Linh đều rõ: Cô thuộc túyp "làm hết sức, tiêu hết mình", khái niệm tiết kiệm là thứ xa xỉ nhất với cô. Hàng tháng, Đặng Thùy Linh xài đến đồng tiền cuối cùng, thậm chí "lẹm" luôn cả tháng sau.

Với quan điểm "mắc mớ chi chịu khổ", cô luôn tìm đến những dịch vụ tiện ích nhất. Mua sắm, ăn uống, du lịch cho đến đủ loại trải nghiệm là chuyện hàng ngày với mình.

Đặng Thùy Linh đều đặn check in cà phê trà sữa, thử hết các món ngon quán lạ. Hàng online đặt không ngơi nghỉ, đến nỗi nhận hàng chẳng kịp khui ra xem. Đồ công nghệ là món cô không "nghiền" nhưng vẫn đổi liền tay.  

Thời chưa Covid-19, mỗi năm ít nhất phải 2 - 3 lần, cô đóng dấu hộ chiếu du lịch nước ngoài. Trong nước thì khỏi tính, có thời gian là cô lên đường. Trưa đang Sài Gòn, chiều đã có mặt ở Đà Lạt chỉ vì thèm trái bắp nướng rồi mai quay về thành phố để kịp chạy sự kiện. 

Dịch bệnh từ đầu năm 2020 làm những kế hoạch trải nghiệm du dịch của cô bị hạn chế. Giữa năm rồi, Đặng Thùy Linh quyết định nâng cấp đời sống bằng cách chuyển chỗ ở. Cô tạm biệt khu nhà trọ mini sang hẳn khu chung cư có hồ bơi, phòng tập ở quận 2 cũ để thuê căn hộ 9 triệu đồng/tháng và "tận hưởng ngay tại chỗ".

Có người khuyên nên gom góp mua căn hộ, cô cười gạt đi: "Tội gì phải nhịn ăn nhịn mặc chỉ để mua một chỗ ở". 

Khoản để dành duy nhất Đặng Thùy Linh có là góp chung cùng chị gái mua mảnh đất vườn ở quê. Nói là góp 100 triệu nhưng Linh chỉ đưa được nửa, còn lại nhờ chị đóng dùm. 

Nhưng đợt dịch này thì khác, nhóm sự kiện liêu xiêu đầu tiên. Nhiều người mất việc, cô là một trong một số người ở lại duy trì công việc online với 50% lương cứng chưa đến 3 triệu đồng. 

Mấy tuần đầu, Đặng Thùy Linh vẫn ung dung ngồi nhà đặt đồ ăn, hàng hóa búa xua. Cho đến hôm chuyển trả tiền hàng mà tài khoản không đủ, cô mới giật mình. Đặng Thùy Linh sớm phải vay mượn để xoay tạm trả tiền nhà, điện nước, chi tiêu. 

Qua tháng thứ 3 làm việc online, Đặng Thùy Linh đã kịp có thêm khoản nợ gần 50 triệu đồng. 

Hiểu lệch về sống YOLO 

Trường hợp như Linh, ưa chuộng lối sống YOLO (You only live once) không ngại chi hết đồng lương cuối cùng, tận hưởng hết sức hiện nay không ít. Họ quan niệm, chỉ cần biết hôm nay, ngày mai biết thế nào mà lo. 

Nhiều người có thu nhập cao nhưng không hề có khoản tiết kiệm, không có kế hoạch đầu tư, kiếm bao nhiêu tiêu bằng hết. Thậm chí làm ra nhưng vẫn chìm ngập trong nợ nần. 

Thu nhập cao nhưng lao đao đứng đầu, không có tiền dự phòng, thêm thói quen chi tiêu mạnh tay, họ gặp khó ngay lập tức khi mất việc hoặc giảm thu nhập. 

Thu nhập mỗi năm trên nửa tỷ đồng, vài tháng dịch đã... ngả nghiêng - 2

Thu nhập cao nhưng vẫn lao đao nếu không có khả năng quản lý tài chính (Ảnh minh họa)

Anh Nguyễn Minh Tài, nhân viên tư vấn mảng tài chính một tập đoàn ở TPHCM cho hay, trào lưu YOLO dịch ra tiếng Việt mang thông điệp "Bạn chỉ sống một lần trong đời" đang được hiểu nặng theo nghĩa về tiền bạc, vật chất.

Nhiều người hiểu theo hướng tiêu cực, đời chỉ có một lần, sao không làm những gì mình muốn, tận hưởng nhiều nhất có thể... Từ đó, họ chạy theo lối sống hưởng thụ vật chất. 

"Hiểu theo hướng tích cực, trào lưu YOLO hướng đến việc sống là chính mình, theo đuổi đam mê, tìm mục đích sống, trả lời câu hỏi mình sống vì lẽ gì. Kể cả hiểu theo nghĩa vật chất thì đi cùng sự thụ hưởng trước hết phải là sự tự chủ về tài chính", anh Nguyễn Minh Tài nhấn mạnh. 

Tự chủ tài chính không chỉ những lúc ổn định mà còn phải cả trong lúc khó khăn, thiên tai, dịch bệnh... Hai yếu tố cơ bản là chi tiêu hợp lý và đầu tư. Thiếu điều này, nhiều người thu nhập cao nhưng vẫn ngập lụt trong khó khăn, khó tìm được sự tự chủ, tự lập thật sự.

Quản lý tài chính là trong những kỹ năng tự lập cần cơ bản nhất cạnh nhiều kỹ năng khác như chăm sóc bản thân, chọn nghề, các mối quan hệ... 

Tuy nhiên, kỹ năng quản lý tài chính vẫn là hạn chế của người lao động trẻ hiện nay, nhất là khi họ rơi vào thời đại mua sắm, tiêu dùng. Đây cũng là "lỗ hổng" lớn trong giáo dục khi người lớn né tránh, lúng túng trong việc dạy trẻ về đồng tiền.