Xu hướng nghề nghiệp mới nhất trong năm 2025
(Dân trí) - Chuyển đổi số đang tác động mạnh đến thị trường lao động nên dự báo sự cạnh tranh trên thị trường việc làm sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn.
Dự báo về thị trường lao động năm 2025, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đưa ra khuyến nghị cho các cơ sở đào tạo nghề nghiệp là phải đổi mới chương trình đào tạo để giúp sinh viên có kỹ năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường lao động hiện nay.
Cụ thể, Falmi đề nghị các trường phát triển chương trình đào tạo liên ngành, kết hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực công nghệ và kinh tế, kỹ thuật với môi trường, y tế và công nghệ… Theo Falmi, có như vậy thì mới đào tạo được những nhân lực có khả năng thích ứng cao với nghề nghiệp trên thị trường lao động hiện nay.
Đặc biệt, các trường phải quan tâm đầu tư vào việc đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng số, lồng ghép vào các môn học, chú trọng đào tạo các ngành nghề theo xu hướng phát triển mới của nền kinh tế hiện nay là kinh tế xanh, kinh tế bền vững, công nghệ sáng tạo… Đó là những kỹ năng mà người lao động cần, những nghề nghiệp mà doanh nghiệp cần trong giai đoạn sắp tới.
Công ty nhân sự TopCV dự báo năm 2025, thị trường vẫn cần nhiều nhân lực đã qua đào tạo đáp ứng trình độ sản xuất ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, xu hướng là doanh nghiệp ngày càng "kén chọn" khi tuyển dụng nên mức độ cạnh tranh để có vị trí việc làm tốt của người lao động vẫn khốc liệt.
Với đặc thù công nghệ thâm nhập ngày càng sâu vào quy trình sản xuất, lao động hiện nay, ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp khi đánh giá nhân sự là kỹ năng số. Các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động trong các ngành nghề liên quan đến công nghệ như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo…
Những ngành nghề như lập trình viên, kỹ sư an ninh mạng… từng được đánh giá giảm nhu cầu nhân sự, bớt "hot" trong giai đoạn 2022-2023 nhưng thực tế vẫn là những ngành mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất cao.
Giai đoạn 2022-2023, nhu cầu tuyển dụng nhân sự và mức lương dành cho lao động ngành này có giảm nhưng đó là so sánh với năm 2021, khi nhu cầu ngành này lên đến đỉnh điểm dưới tác động của xu thế đầu tư để làm việc từ xa do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Qua năm 2022, nhu cầu tuyển dụng và độ "hot" của những ngành này không còn bằng năm 2021 nhưng thực tế vẫn là nhóm ngành có nhu cầu nhân lực rất cao, mức lương vẫn thuộc nhóm dẫn đầu trong các ngành nghề phổ biến.
Những doanh nghiệp sản xuất, kho vận, phân phối… vẫn cần nhiều vị trí kỹ sư ngành tự động hóa, quản lý chuỗi cung ứng, quản lý chất lượng… am hiểu công nghệ. Ngành năng lượng tái tạo, kinh tế xanh đang phát triển mạnh cũng cần lượng lớn nhân sự cao cấp giỏi kỹ năng số.
Đặc biệt, ngành tài chính, thương mại điện tử, dịch vụ khách hàng… đang phát triển mạnh mẽ cũng là nhóm ngành cần rất nhiều lao động hiện đại, giỏi chuyên môn và rành công nghệ. Trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng vào nhiều ngành nghề, nhân lực giỏi công nghệ, biết vận dụng AI vào công việc càng trở nên "có giá".
Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, nhận định: "Năm 2025 được dự báo có nhiều thuận lợi về kinh tế - xã hội để thị trường lao động tiếp tục phát triển tích cực. Tuy nhiên, những thách thức mới đến từ tình hình thế giới, sự phát triển vũ bão của công nghệ".
Theo ông, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xu hướng chuyển đổi số hiện nay đặt ra yêu cầu thị trường lao động phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, nhân lực có kiến thức chuyên sâu về khoa học - công nghệ, theo xu hướng chuyển dịch để đáp ứng được yêu cầu của thị trường.