Thách thức nào đối với nhân lực báo chí truyền thông trước công nghệ số?
(Dân trí) - Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo đang định hình lại ngành báo chí và truyền thông, tạo ra nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ.
Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người.
Tính đến tháng 12, có khoảng 21.000 nhà báo được cấp thẻ nhà báo. Trong đó có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành báo chí hơn 31,2% và bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành khác trên 68,7%.
3 thách thức của nhân lực báo chí trong môi trường hiện đại
Tham luận về nguồn nhân lực báo chí và truyền thông trong hội nghị tổng kết báo chí toàn quốc năm 2024 mới diễn ra tại TP Cần Thơ, Tiến sĩ Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng, báo chí và truyền thông hiện nay trải qua một thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ với sự bùng nổ của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo ông, điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được các thách thức và cơ hội của thời đại. Trong đó chuyển đổi số trong lĩnh vực này không chỉ là xu hướng mà đã trở thành việc bắt buộc.
Tiến sĩ Phan Văn Kiền đã nêu ra 3 thách thức đối với việc đào tạo nguồn nhân lực báo chí và truyền thông trong bối cảnh mới.
Một trong những thách thức lớn nhất mà AI đặt ra cho hoạt động đào tạo báo chí và truyền thông là sự thay đổi trong yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp. Đó không chỉ là kỹ năng viết bài, phỏng vấn, biên tập mà phải được tích hợp với năng lực công nghệ.
"Một nhà báo hiện đại có thể phải sử dụng Google Trends (xu hướng) để xác định từ khóa phổ biến hoặc khai thác các công cụ AI như ChatGPT (trò chuyện) để tạo bản nháp ban đầu cho bài viết. Điều này đòi hỏi sinh viên báo chí cần được trang bị các kỹ năng lập trình cơ bản, phân tích dữ liệu và làm việc trên nền tảng số", Tiến sĩ Phan Văn Kiền chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Kiền, trong môi trường số hóa, AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là thách thức lớn đối với đạo đức nghề nghiệp. Công nghệ này có thể tạo ra thông tin giả mạo, bóp méo sự thật hoặc sản xuất nội dung với tốc độ mà con người khó kiểm soát.
Từ thách thức này, việc đào tạo đạo đức nghề nghiệp không chỉ dừng lại ở các nguyên tắc truyền thống như trung thực và công bằng, mà cần mở rộng sang các vấn đề mới như trách nhiệm với thông tin do AI tạo ra, kiểm soát thông tin sai lệch, xử lý các vấn đề về quyền riêng tư dữ liệu.
"Hiện nay sự thiếu hụt giảng viên chuyên sâu khiến nhiều cơ sở đào tạo gặp khó khăn trong việc giảng dạy các môn học mới liên quan đến dữ liệu báo chí, AI, hoặc phân tích truyền thông số. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của sinh viên mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của các cơ sở đào tạo trên thị trường giáo dục quốc tế", Tiến sĩ Phan Văn Kiền nêu thêm thách thức.
Định hướng đào tạo nhân lực phù hợp
Để giải quyết các thách thức nêu trên, theo Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, việc đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy là yếu tố then chốt.
Trong đó chú trọng cập nhật chương trình đào tạo theo hướng tích hợp công nghệ với các môn học liên quan đến AI, phân tích dữ liệu và an ninh mạng; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp công nghệ giúp nâng cao chất lượng đào tạo và thúc đẩy sự phát triển của ngành báo chí và truyền thông, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động trong kỷ nguyên số.
Cũng theo Tiến sĩ Phan Văn Kiền, cần quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên chuyên môn cao về công nghệ, AI. "Các cơ sở đào tạo có thể định kỳ cử giảng viên đến thực tập, làm việc như một nhân viên thực thụ tại cơ quan báo chí hoặc doanh nghiệp công nghệ để vừa trải nghiệm thực tế phục vụ cho giảng dạy, vừa có cơ hội cập nhật nhanh các công nghệ mới được áp dụng trong thực tiễn", ông Kiền gợi mở.
Tiến sĩ Phan Văn Kiền cũng nêu tầm quan trọng trong việc tăng cường các kỹ năng mềm, ý thức đạo đức nghề nghiệp và cho rằng, các khóa học về đạo đức báo chí, kiểm chứng thông tin, xử lý tin giả cần trở thành nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo.
Với đội ngũ giảng viên, theo Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, việc sử dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, ứng dụng công nghệ số và AI sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo.
"Mô hình học tập trực tuyến kết hợp thực hành thực tế; các ứng dụng ngày càng đa dạng, phổ biến của AI; mô hình phương pháp học theo dự án đó là khuyến khích sinh viên thực hiện các dự án thực tế như xây dựng ứng dụng truyền thông hoặc phân tích dữ liệu báo chí, giúp họ làm quen với quy trình làm việc trong môi trường chuyên nghiệp", Tiến sĩ Phan Văn Kiền chia sẻ.