Xin cấp giấy phép lao động tại trụ sở hay chi nhánh?

Công ty bà Nguyễn Hà ở tỉnh Đồng Nai, có chi nhánh ở TPHCM và văn phòng đại diện tại TP. Hà Nội.

Bà hỏi, người lao động nước ngoài làm việc tại chi nhánh và văn phòng đại diện phải xin giấy phép lao động tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của các thành phố này có đúng không?

Báo cáo tình hình sử dụng lao động Mẫu số 07/PLI sẽ phải nộp tại cả Đồng Nai, TPHCM, Hà Nội hay chỉ cần nộp tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai?

Tài liệu chứng minh công ty bà Hà thuộc dịch vụ phân phối theo cam kết WTO là giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã đầy đủ chưa?

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thì trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam, người nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Như vậy, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở địa phương nào thì nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương đó. 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, báo cáo tình hình sử dụng lao động Mẫu số 07/PLI gửi tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty đang sử dụng lao động nước ngoài.

Trường hợp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thể hiện được các hoạt động của doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: Kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải thì được coi là phù hợp.