"Xã tỷ phú" đi lên từ… lông vịt, đồng nát
(Dân trí) - Phần lớn các hộ dân có nhà lầu, xe hơi, thu nhập bình quân đầu người 30-40 triệu đồng/tháng. Ít ai biết, xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, Nghệ An đi lên từ nghề buôn phế liệu, lông vịt...
Cả xã đi lên từ... lông vịt, đồng nát
Những năm 1990 trở về trước, Diễn Tháp là xã nghèo, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Với mong muốn cuộc sống khấm khá lên, người dân bắt đầu cùng nhau phục hồi lại nghề truyền thống của cha ông - nghề đúc đồng nát và buôn bán phế liệu.
Lúc đầu, người dân làm nghề này để sản xuất nông cụ, phục vụ cho nghề nông nghiệp và các sản phẩm gia dụng như nồi, chảo… Tuy nhiên, nhờ nắm bắt xu hướng tốt nên cả xã đã chuyển sang nghề buôn phế liệu, đồng nát. Đây được xem như bước "chuyển mình" của cả xã.
Hình ảnh mỗi buổi sáng sớm, người người đạp xe đi mua đồng nát, hay đèo thùng xốp sau xe, đi lấy kem về bán, đổi lấy lông vịt... đã quá quen thuộc với người dân tại nhiều địa phương của xứ Nghệ. Thời điểm đó, cả làng, cả xã đi buôn đồng nát. Cũng từ đó, Diễn Tháp còn có tên gọi khác là "xã phế liệu, xã đồng nát".
Ban đầu, họ chỉ đi thu gom ở các xã, các huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, sau đó, tiếp tục mở rộng địa bàn từ Nam ra Bắc. Khi nguồn hàng trong nước dần khan hiếm, họ sang cả Lào để thu mua phế liệu. Khi đó, giá phế liệu tại Lào thấp, thế là người dân trong xã lại ồ ạt kéo nhau sang nước bạn. Lúc đầu là đi xe máy, tiếp đó là mua ô tô để phục vụ nghề buôn đồng nát.
Mỗi chuyến phế liệu từ Lào về sẽ được phân loại, tái chế, sau đó đưa trở lại thị trường nước bạn bán với giá cao hơn. Dần dần, Diễn Tháp "phất lên" và trở thành một trong những xã giàu nhất nhì tại Nghệ An.
Khi có của ăn, của để, người dân Diễn Tháp xây nhà tầng, biệt thự. Hiện nay, địa phương này đã có bộ mặt hoàn toàn mới. Những biệt thự, nhà cao tầng khang trang nằm san sát, chạy dài dọc trung tâm xã chẳng khác nào hình ảnh của đô thị.
Xã... tỷ phú
Sinh ra trong gia đình nhà nông nghèo khó, sau khi lấy vợ, ông Trần Hùng (56 tuổi, ở xóm 5, Diễn Tháp) ra ở riêng và bắt đầu xây dựng cuộc sống. Những năm 1997, nghe hàng xóm rủ đi Lào, ông cũng đánh liều đi theo. Lúc đầu chỉ với chiếc xe đạp cà tàng cùng ít đồ nhựa và nồi niêu, dần dần có vốn, ông ra các tỉnh phía Bắc lấy hàng rồi thuê ô tô chở sang Lào nhập cho các đại lý.
Hiện, gia đình ông đang sở hữu một đại lý lớn, nhiều ô tô chở hàng và hơn chục nhân công phân loại phế liệu, bốc dỡ hàng hóa.
Tương tự ông Hùng, ông Phạm Văn Thành (54 tuổi, ở thôn 2, xã Diễn Tháp), là một trong những tiểu thương nổi tiếng đi lên từ nghề đồng nát. Trước đây, cũng như bao hộ dân, ông làm đủ nghề để mưu sinh, tuy nhiên cái nghèo vẫn đeo bám.
Sau khi bàn bạc với vợ, ông Thành sang Lào hành nghề buôn đồng nát. Hơn 10 năm bám trụ với nghề, khởi đầu cũng chỉ là chiếc xe máy cà tàng chở theo ít xoong, chảo... Đến nay, ông Thành đang sở hữu một đại lý lớn, chuyên cung cấp nhiều mặt hàng sang Lào.
"Trước đây vợ chồng tôi chủ yếu đi buôn bằng xe đạp, xe máy nên gặp rất nhiều khó khăn. Bây giờ, phương tiện hiện đại nên trực tiếp ra phía Bắc lấy hàng rồi về phân loại để đưa sang Lào bán kiếm lời, trừ mọi chi phí, mỗi năm lãi khoảng 350-400 triệu đồng", ông Thành cho biết.
Hơn 30 năm từ khi bắt tay vào nghề truyền thống, kinh tế nhiều gia đình tại xã Diễn Tháp "lên như diều gặp gió". Trước đây, nhiều người biết đến Diễn Tháp với tên gọi "xã đồng nát" hay "xã phế liệu" thì nay phải ngưỡng mộ bởi sự trù phú, giàu có hiếm thấy của vùng quê này.
Theo thống kê của UBND xã Diễn Tháp, hiện nay toàn xã có gần 7.000 nhân khẩu, 75% dân số có nhà lầu, xe hơi, thu nhập bình quân đầu người 30-40 triệu đồng/tháng và có rất nhiều tỷ phú.
Theo ông Đậu Xuân Mạnh - Chủ tịch UBND xã Diễn Tháp, trước đây, người dân trong xã rất nghèo. Sau nhiều năm thay đổi, phát triển, giờ đường sá được mở mang, người dân thuận tiện phát triển kinh tế.
Năm 2020, thu nhập bình quân của cả xã chỉ dưới 10 triệu đồng/người/tháng, nay đã tăng gấp nhiều lần. Cả xã có đến hơn 1.000 xe ô tô các loại, trong đó có nhiều xe tiền tỷ.
"Người dân xã Diễn Tháp rất cần cù, chịu khó làm ăn. Dù chỉ dựa vào nghề phế liệu để mưu sinh mà sau một thời gian, đời sống đã thay đổi hoàn toàn", ông Mạnh cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Diễn Châu cho biết, hiện nay, số lao động của xã Diễn Tháp đang làm việc ở Lào là 1.200 người, các nước khác là 600 người.
"Diễn Tháp là một trong những xã giàu bậc nhất huyện Diễn Châu. Đời sống của người dân nơi đây đã thay đổi hoàn toàn nhờ vào công việc chính là đi buôn phế liệu, đồng nát. Bên cạnh đó, hiện địa phương này tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động trên địa bàn huyện", bà Nhung chia sẻ thêm.