PhotoStory

Sống ám ảnh đến nghẹt thở ở làng tỷ phú rác ngay gần Hà Nội

Thực hiện: Tố Linh - Minh Nhân

(Dân trí) - Rác thải nhựa chất đống từ lối vào đến cuối nghĩa trang nhân dân thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Nhiều năm qua, đây là nơi làm việc mỗi ngày của các "công nhân rác".

LTS: Tốc độ phát triển và đô thị hóa nhanh ở Hà Nội vô tình làm biến mất những làng nghề thủ công truyền thống, thay vào đó là những "ngôi làng kiểu hiện đại" bắt kịp xu thế chuyển đổi.

Dân trí thực hiện tuyến bài về các "thủ phủ phế liệu", "bãi rác quốc tế", "làng tỷ phủ rác" ngoại thành Hà Nội - nơi người dân đổi đời nhờ việc thu gom và tái chế rác thải nhựa, nhưng cũng đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường dai dẳng và hệ lụy sức khỏe lâu dài.

Sống ám ảnh đến nghẹt thở ở làng tỷ phú rác ngay gần Hà Nội - 1

Gần hai mươi năm qua, khoảng 180 hộ gia đình tại thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), chuyển đổi từ nghề làm hương đen truyền thống, sang thu gom và phân loại phế liệu bán cho các nhà máy tái chế rác.

Từ trên cao nhìn xuống, một góc thôn Xà Cầu ngồn ngang các loại rác thải nhựa đủ màu sắc. 

Sống ám ảnh đến nghẹt thở ở làng tỷ phú rác ngay gần Hà Nội - 2

Hàng ngày, hàng trăm chuyến xe chở phế liệu ra vào nghĩa trang nhân dân thôn Xà Cầu, đưa hàng trăm tấn rác thải từ khắp các tỉnh, thành về ngõ thôn nhỏ. 

Sống ám ảnh đến nghẹt thở ở làng tỷ phú rác ngay gần Hà Nội - 3
Sống ám ảnh đến nghẹt thở ở làng tỷ phú rác ngay gần Hà Nội - 4
Sống ám ảnh đến nghẹt thở ở làng tỷ phú rác ngay gần Hà Nội - 5

Với số lượng rác thải "khổng lồ", ước tính hàng trăm tấn, khu vực nhà dân trong thôn không đủ chỗ chứa. Rác thải cứ thế tràn vào nghĩa trang, nằm xen kẽ giữa các ngôi mộ. 

Sống ám ảnh đến nghẹt thở ở làng tỷ phú rác ngay gần Hà Nội - 6

Hai bên con đường bên trong nghĩa trang thôn Xà Cầu ngập ngụa rác thải nhựa. Chúng được phân loại, chia vào từng bao tải, chất đống cao quá đầu người.

Sau khi các xe vận chuyển rác về thôn, các hộ dân sẽ tiến hành sơ chế phế liệu. Từ việc phân loại, phân chia đồ vật không đạt chuẩn, vật nguy hiểm, người dân sẽ cho rác vào máy ép thành từng tảng lớn cao khoảng 50 - 60cm. Nhiều loại chai nhựa, ống nhựa khác thì được cho vào máy nghiền nát thành những mẩu vụn để tái thành phẩm.

Đa số công nhân làm thuê đều là người dân ở thôn, đủ mọi lứa tuổi, thu nhập từ 200.000 đến 400.000 đồng mỗi ngày tùy theo mức độ công việc.

Sống ám ảnh đến nghẹt thở ở làng tỷ phú rác ngay gần Hà Nội - 7

Vợ chồng ông Nguyễn Tiến Khanh, 49 tuổi, tập trung phân loại rác, trước khi chở đi bán cho các chủ lớn trong thôn. Mỗi ngày, nếu làm đủ 8 tiếng rưỡi, họ kiếm được 200.000 đồng/người.

Đứng dựa vào một ngôi mộ, châm điếu thuốc, ông Khanh nhìn một vòng nghĩa trang, nhớ lại khung cảnh vắng hoe hồi trước, nhưng 2 - 3 năm gần đây, "người chết và người sống, đều phải sống chung với rác".

Sống ám ảnh đến nghẹt thở ở làng tỷ phú rác ngay gần Hà Nội - 8

Đi dọc nghĩa trang, không khó bắt gặp cảnh tượng những ngôi mộ nằm san sát bị những bao tải phế liệu "quây kín". 

Sống ám ảnh đến nghẹt thở ở làng tỷ phú rác ngay gần Hà Nội - 9
Sống ám ảnh đến nghẹt thở ở làng tỷ phú rác ngay gần Hà Nội - 10

Nghĩa trang của thôn vô tình trở thành nơi tập kết phế liệu đã được phân loại để chờ bán cho nhà máy tái chế.

Sống ám ảnh đến nghẹt thở ở làng tỷ phú rác ngay gần Hà Nội - 11

Cách đó không xa, ngồi giữa những ngôi mộ san sát, bà Nguyễn Thị Thai, 68 tuổi, vừa nói vừa chỉ tay về phía những bao tải rác: "Ở giữa nghĩa trang, người sống chiếm hết đất của người chết để làm rác. Ngày thường, vẫn có gia đình đưa đám qua đây, đường đi thì hẹp bởi bị rác thải và phế liệu bao phủ".

Sống ám ảnh đến nghẹt thở ở làng tỷ phú rác ngay gần Hà Nội - 12

Đi sâu vào từng ngõ, ngách của thôn Xà Cầu, rác thải sau phân loại cũng được xếp thành từng hàng dọc đường thôn. Khung cảnh này đã quá quen thuộc với người dân gần 20 năm qua. 

Sống ám ảnh đến nghẹt thở ở làng tỷ phú rác ngay gần Hà Nội - 13
Sống ám ảnh đến nghẹt thở ở làng tỷ phú rác ngay gần Hà Nội - 14

Những khoảng sân trước nhà của mỗi hộ gia đình đều trở thành địa điểm tập kết rác, có những bao tải phế liệu cao quá mái nhà. 

Sống ám ảnh đến nghẹt thở ở làng tỷ phú rác ngay gần Hà Nội - 15

Sau khi được di dời ra trung tâm của xã, cơ sở ban đầu của một trường Tiểu học được tận dụng làm nơi phân loại phế liệu. 

Sống ám ảnh đến nghẹt thở ở làng tỷ phú rác ngay gần Hà Nội - 16

Chỉ từ nghề thu gom và phân loại phế liệu mà nhiều hộ dân trong thôn Xà Cầu "đổi đời", có tiền sắm sửa, xây nhà cao tầng... Nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường (nguồn nước, không khí, tiếng ồn) mà hàng trăm tấn rác thải được sơ chế hằng ngày cũng luôn thường trực ở nơi đây.

Thôn Xà Cầu vốn được mệnh danh là "tỷ phú tái chế" vì người dân trong thôn lần lượt bỏ nghề làm hương đen truyền thống chuyển sang tái chế phế liệu. Họ gọi đây là "dòng chảy xu thế", không còn lựa chọn nào khác mà buộc phải mưu sinh theo "làng nghề hiện đại". Ở thôn Xà Cầu, chỉ người ốm đau mới không làm ra tiền. Từ già trẻ gái trai, ai cũng làm được vì công việc hết sức đơn giản, mỗi ngày kiếm trung bình từ 100.000 - 300.000 đồng. Dù nuối tiếc làng nghề truyền thống dần mai một, nhưng người dân không thể phủ nhận "từ nhựa mà làm nên cơ đồ, nhà cao cửa rộng".

(Còn tiếp)