Vụ vắt giẻ lau vào nồi nước của gia chủ: Vì sao người giúp việc "làm liều"?

Hoa Lê

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc người giúp việc tại Hà Nội vắt nước giẻ lau vào nồi nước đun lá tía tô của gia chủ gây bức xúc dư luận, chuyên gia cho rằng họ cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nghề.

Vừa qua, vụ việc người giúp việc ở Hà Nội không rửa, thậm chí vắt nước giẻ lau vào nồi nước lá tía tô của gia chủ gây bức xúc trong cộng đồng.

Vụ vắt giẻ lau vào nồi nước của gia chủ: Vì sao người giúp việc làm liều? - 1

Người giúp việc vắt nước từ giẻ lau vào nồi nước uống của gia chủ (Ảnh: Chụp màn hình).

Lỗ hổng thiếu kỹ năng nghề nghiệp

Trước sự việc này, nhà sáng lập JupViec.vn Phan Hồng Minh cho biết, đây là vụ việc hi hữu xảy ra liên quan đến công việc của người giúp việc. Rõ ràng, người giúp việc đã sai khi có những hành vi gây ảnh hưởng đến sức khỏe của gia chủ.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm quản lý của mình, ông Minh phán đoán rằng sự việc phát sinh do những bức xúc được tích tụ trong thời gian dài của người lao động. Khi nín nhịn quá nhiều, lúc có cơ hội họ đã không kiểm soát và làm những việc trái với lương tâm, gây hại đến sức khỏe của người khác.

Với những công việc đặc thù trong một gia đình bất kỳ, người làm giúp việc có thể đối mặt với nhiều rủi ro, mâu thuẫn với gia chủ.

Vụ vắt giẻ lau vào nồi nước của gia chủ: Vì sao người giúp việc làm liều? - 2

Người giúp việc cần trải qua khóa đào tạo trước khi bắt đầu công việc (Ảnh: NVCC).

Cũng trao đổi xung quanh vụ việc này, TS Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Thông tin phân tích dự báo chiến lược và dịch vụ công (Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động) cho biết, sự việc đã gây phẫn nộ trong dư luận và đặt ra những lo ngại về đạo đức và ý thức trách nhiệm của một bộ phận người lao động trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, ông Toàn cho rằng, việc làm của người này còn là hệ quả của việc thiếu đào tạo kỹ năng và kiến thức nghề nghiệp cơ bản đối với công việc giúp việc gia đình. 

"Điều đáng nói là, những hành vi thiếu chuyên nghiệp của một vài cá nhân có thể ảnh hưởng đến những người đang thực hiện rất tốt công việc này. Rất nhiều người giúp việc đang nỗ lực làm việc một cách trung thực, tận tụy và có trách nhiệm", Giám đốc Trung tâm Thông tin phân tích dự báo chiến lược và dịch vụ công lo ngại.

Cần nâng cao nhận thức quyền và nghĩa vụ

Để giảm thiểu mẫu thuẫn, xung đột trong mối quan hệ lao động trên, một khâu không thể thiếu khi vận hành đơn vị của ông Phan Hồng Minh chính là việc tổ chức những khóa đào tạo, trang bị những kiến thức, kỹ năng để người giúp việc có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo vị này, việc họ làm giúp việc theo giờ sẽ giảm nhiều phát sinh đối với gia chủ. Nếu người giúp việc làm việc cả ngày, ở nhà gia chủ thì nguy cơ căng thẳng luôn hiện hữu. 

Ông Minh dẫn việc ở nhiều nước có những quy định cho người lao động ra ngoài, đi giải trí để giảm căng thẳng, mệt mỏi. Như vậy, môi trường làm việc, có thời gian nghỉ ngơi giúp họ đẩy lùi mệt mỏi.

Bên cạnh tạo môi trường làm việc mở, ông Minh cho rằng vấn đề đào tạo cho người lao động rất quan trọng về ý nghĩa công việc, lương tâm nghề nghiệp.

"Chúng tôi còn có những khóa học hướng dẫn người lao động xử lý tình huống lúc cáu gắt sẽ làm gì, khi tiếp xúc gia chủ cần ứng xử ra sao... Từ đó, đặt người lao động vào tâm thế của gia chủ để tìm đến sự hài hòa trong cuộc sống", CEO đơn vị giới thiệu giúp việc gia đình cho hay.

Ngoài ra, công ty xây dựng ứng dụng để khách hàng đánh giá người lao động và ngược lại. Từ đó, sẽ có giải pháp để cả hai bên dễ thông cảm, đáp ứng những yêu cầu của nhau hơn.

Vụ vắt giẻ lau vào nồi nước của gia chủ: Vì sao người giúp việc làm liều? - 3

TS Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Thông tin phân tích dự báo chiến lược và dịch vụ công (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Ông Toàn nêu thực tế, mặc dù pháp luật Việt Nam đã có quy định rõ ràng về việc giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với người giúp việc gia đình, nhưng hình thức thỏa thuận miệng vẫn chiếm đa số.

"Thực trạng này phản ánh sự thiếu nghiêm túc trong nhận thức xã hội về quan hệ lao động giữa người giúp việc và người sử dụng lao động, vốn được xem đơn giản, linh hoạt, "tình cảm là chính", nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cả hai bên", vị này cho hay.

Đối với người giúp việc, theo chuyên gia này, khi không có hợp đồng lao động đồng nghĩa với việc họ không được bảo vệ quyền lợi cơ bản. Người giúp việc không có cơ sở pháp lý để đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, điều kiện sinh hoạt hay quyền chấm dứt hợp đồng khi bị làm việc quá nhiều.

Ngược lại, ông Toàn phân tích gia chủ cũng không ít lần rơi vào thế bị động khi người giúp việc bất ngờ bỏ việc, gây ra tổn thất vật chất, hoặc trong một số trường hợp, vi phạm đạo đức.

Theo vị này, việc đào tạo kỹ năng cơ bản như nấu ăn hợp vệ sinh, dọn dẹp khoa học, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, sử dụng thiết bị gia dụng an toàn… là điều bắt buộc nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, chuyên gia về lao động cho rằng họ cần được bổ sung đào tạo về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, và xử lý tình huống để người giúp việc có thể thích nghi và làm việc hiệu quả trong các môi trường gia đình khác nhau.

Một điểm quan trọng khác được ông Toàn nhắc đến là cần nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của người giúp việc. Khi người lao động hiểu được quyền lợi hợp pháp của mình, họ sẽ chủ động hơn trong ứng xử, đồng thời biết tôn trọng hợp đồng và cam kết công việc.

Ngược lại, gia chủ cũng cần được nâng cao nhận thức về vai trò của người giúp việc, xem họ như một đối tác trong công việc hỗ trợ gia đình chứ không phải đối tượng thấp kém.

Theo thống kê của Sở Nội vụ Hà Nội (trước đây là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) giữa năm 2024, thành phố có hơn 13.710 hộ gia đình sử dụng trên 13.780 lao động giúp việc gia đình.

Phần lớn người giúp việc là lao động nữ và chủ yếu ở cùng gia đình người sử dụng lao động, chiếm khoảng 80%. Số lao động giúp việc trên 18 tuổi chiếm hơn 95% tổng số lao động giúp việc gia đình.