Việt Nam bán tôm sang hơn 100 nước, lớn nhất là thị trường Mỹ

Nhật Linh Đan

(Dân trí) - Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang hơn 100 nước, riêng năm 2024 đạt kim ngạch hơn 3,9 tỷ USD. Trong đó, thị trường Mỹ lớn nhất.

Ngày 14/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển tôm nước lợ năm 2025.

Theo Cục Thủy sản, năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ 740.000ha; sản lượng đạt hơn 1,2 triệu tấn (tăng 15,3% so năm 2023); kim ngạch xuất khẩu hơn 3,9 tỷ USD (tăng 14% so với năm 2023).

Việt Nam xuất khẩu tôm sang hơn 100 thị trường. Trong đó thị trường Mỹ (lớn nhất chiếm 19%), tiếp đến là Trung Quốc, Canada, Anh, Australia...

Việt Nam bán tôm sang hơn 100 nước, lớn nhất là thị trường Mỹ - 1

Nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: CTV).

Nêu khó khăn trong sản xuất ngành tôm, theo Cục Thủy sản, tôm bố mẹ trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất; một số cơ sở chưa đủ điều kiện sản xuất vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch; giá giống giảm, nhiều cơ sở sản xuất ngừng hoạt động;...

Cục Thủy sản cũng cho biết, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực do chi phí thức ăn nuôi tôm đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất.

"Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, phải mua chịu vật tư đầu vào, chịu lãi suất cao và không có cơ hội lựa chọn sản phẩm có chất lượng, lệ thuộc vào đại lý ảnh hưởng đến giá thành, lợi nhuận của người nuôi tôm", theo Cục Thủy sản.

Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỉnh có gần 140.000ha nuôi trồng thủy sản và là một trong 3 địa phương có diện tích, sản lượng nuôi tôm top đầu cả nước.

"Sản lượng tôm hàng năm của Bạc Liêu đóng góp 20-21% tổng sản lượng tôm nuôi toàn quốc", ông Thăng thông tin và cho biết Bạc Liêu xây dựng thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, đặc biệt mục tiêu năm 2025 đạt xuất khẩu tôm 1,3 tỷ USD.

Theo Cục Thủy sản, năm 2025, theo dự báo của các chuyên gia, ngành tôm có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, năm nay đã có những tín hiệu tích cực hơn như sự phục hồi của một số thị trường chính (Mỹ, Nhật Bản, EU) khi doanh số xuất khẩu tôm việt Nam đều tăng. Đặc biệt, những thay đổi về chính sách thuế của Mỹ đối với một số nước như Ecuador, Trung Quốc có thể là cơ hội xuất khẩu tôm cho Việt Nam.

"Kế hoạch năm 2025 diện tích nuôi tôm khoảng 750.000ha; sản lượng 1,3-1,4 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu 4-4,3 tỷ USD", theo Cục Thủy sản.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam kiến nghị ngành chức năng, địa phương có các chính sách hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, người nuôi tôm như: Tạo điều kiện về vốn, giải quyết bất cập liên quan đến chi phí tuân thủ quy định và thủ tục hành chính; có biện pháp bình ổn các chi phí đầu vào cho sản xuất;…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm, các địa phương cần chú ý đến việc xây dựng nguồn giống đạt chất lượng cao, chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi, hạn chế dịch bệnh.

Cùng với việc đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, theo Thứ trưởng Tiến, cần tổ chức lại sản xuất và các khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại phải song hành với nhau. Việc giải quyết các vấn đề này một cách đồng bộ, chặt chẽ tạo ra cạnh tranh tốt hơn thị trường tôm trên thế giới.