Bạc Liêu bất lợi gì khi xây dựng trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước?

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu thông tin địa phương này trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước là mục tiêu khả thi. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm bất lợi khi thực hiện.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, chiều 13/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, từ năm 2020, tỉnh đã có đề án với mục tiêu phát triển Bạc Liêu là địa phương đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cho 2 đối tượng tôm nước lợ chủ lực (tôm thẻ chân trắng và tôm sú).

Trong đó tỉnh tập trung phát triển 3 lĩnh vực là sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến tôm. Chỉ tính trong năm 2023, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác của Bạc Liêu đạt trên 500.000 tấn, trong đó tôm đạt gần 250.000 tấn, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước.

Bạc Liêu bất lợi gì khi xây dựng trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước? - 1

Thu hoạch tôm ở Bạc Liêu (Ảnh: CTV).

Riêng đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, toàn tỉnh đã có 25 tổ chức, hơn 1.000 cá nhân đang đầu tư diện tích gần 7.000ha. Tỉnh cũng có nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu cả nước.

"Bạc Liêu đặt chỉ tiêu xuất khẩu tôm của tỉnh đến năm 2025 là 1,3 tỷ USD", Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu thông tin và cho rằng việc xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước là mục tiêu khả thi.

Tuy nhiên, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cũng nhìn nhận việc triển khai thực hiện đề án còn nhiều khó khăn, thách thức. Vừa qua, đại dịch Covid-19 gây biến động cả nền kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên tôm và giá cả thị trường tiêu thụ diễn biến bất lợi, ảnh hưởng rất tiêu cực đến ngành tôm.

Đề án có 5 chương trình và 20 dự án/đề án, với nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay tỉnh mới thực hiện được 2 đề án, dự án. Do không cân đối được nguồn vốn nên nhiều dự án, đề án vẫn chưa triển khai được.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng không có sân bay, cảng biển sâu và tuyến cao tốc kết nối với các trung tâm thành phố lớn. Tỉnh không nằm trong các tỉnh được chọn để xây dựng trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu thủy sản ven biển.

"Đây là một điểm bất lợi của tỉnh Bạc Liêu trong quá trình trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước", lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh phải có liên kết, phối hợp chặt chẽ từ cơ quan Nhà nước đến người dân, doanh nghiệp,… chứ mang tính rời rạc, không kết nối sẽ thất bại, không chỉ đề án mà còn ngành tôm trên thương trường.

"Xây dựng tổ chức hợp tác xã đủ lớn, đủ mạnh. Còn mạnh ai nấy nuôi, nấy làm thì không thắng lợi trong quá trình cạnh tranh con tôm hiện nay", ông Thiều nói.

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương như quy hoạch lại vùng nuôi tôm, giám sát môi trường, tiếp cận nguồn vốn, quảng bá thương hiệu con tôm,…

Chỉ đạo tại hội nghị, ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, yêu cầu thời gian tới các ngành, lĩnh vực cần phải rà soát cụ thể từng nhiệm vụ, không chung chung để thực hiện đề án.

Tăng cường nghiên cứu chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác, xử lý nước thải, phương án phòng, chống thiên tai trong nông nghiệp; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản phẩm sạch; tạo chính sách ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, nuôi trồng, chế biến thủy sản;…

Ngày 24/5/2017, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.

Đến ngày 28/7/2020, UBND tỉnh Bạc Liêu có quyết định phê duyệt Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.