Vì sao không cố định lịch nghỉ Tết hằng năm?
(Dân trí) - Việc không cố định ngày nghỉ Tết Âm lịch hằng năm đang là chủ đề được quan tâm rộng rãi, thu hút nhiều ý kiến từ các cơ quan và bộ ngành liên quan.
Theo đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), việc đưa ra phương án nghỉ Tết phải được xem xét kỹ lưỡng và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, nhằm đảm bảo sự hợp lý cho cả người lao động và doanh nghiệp. Quy định này không chỉ xuất phát từ yêu cầu pháp lý mà còn từ nhu cầu thực tế của xã hội.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết các ngày nghỉ Tết Âm lịch, Quốc khánh 2/9, và các dịp 30/4, 1/5 đều được quy định rõ trong Bộ luật Lao động 2019. Tuy nhiên, lịch nghỉ Tết Âm lịch cụ thể hằng năm cần được sắp xếp một cách linh hoạt để đảm bảo tính thuận tiện cho người lao động và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của từng năm.
"Theo quy định, lịch nghỉ Tết Âm lịch 'chốt cứng' là 5 ngày, song, Chính phủ có thể hoán đổi các ngày nghỉ xen kẽ nhằm tạo thuận lợi cho người lao động, như sắp xếp nghỉ liền mạch hoặc điều chỉnh phù hợp với ngày cuối tuần", ông Thắng nói.
Thực tế, có trường hợp nghỉ trước Tết Âm lịch 2 ngày và hết mùng 3 Tết phải đi làm. Song có khi ngày mùng 5, mùng 6 là thứ bảy, chủ nhật (đương nhiên được nghỉ) thì còn ngày mùng 4 (tức thứ sáu) buộc phải đi làm sẽ sinh ra câu chuyện đi làm 1 ngày rồi lại nghỉ 2 ngày.
"Trong trường hợp này, có thể hoán đổi cho người lao động nghỉ ngày mùng 4 và đi làm bù vào thứ bảy gần nhất. Điều này giúp người lao động dễ dàng sắp xếp công việc, lên kế hoạch nghỉ ngơi và thăm gia đình, giảm chi phí đi lại và tăng cường thời gian chăm sóc gia đình.
Việc linh hoạt trong lịch nghỉ giúp người lao động có thời gian nghỉ liên tục và doanh nghiệp cũng có thể sắp xếp sản xuất một cách hiệu quả hơn", ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, việc lập phương án nghỉ lễ hàng năm cần sự tham gia và thống nhất ý kiến từ 16 cơ quan, bộ ngành trung ương. Mục tiêu là để các bên liên quan đều có cơ hội đóng góp ý kiến.
Quy trình lấy ý kiến các cơ quan, bộ ngành được thực hiện từ tháng 8, tháng 9 của năm trước, và thường được Thủ tướng quyết định vào khoảng tháng 10, tháng 11. Điều này giúp các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động có thời gian để lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh và nghỉ ngơi.
Cụ thể, Bộ Nội vụ sẽ đưa ra ý kiến liên quan đến công chức, viên chức; Tổng Liên đoàn Lao động và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ phản ánh ý kiến của người lao động và doanh nghiệp. Tất cả các ý kiến này sẽ được tổng hợp và lấy đa số để trình Thủ tướng phê duyệt.
"Việc thông báo sớm cũng giúp các đơn vị vận tải như đường sắt, hàng không có thời gian chuẩn bị, bố trí phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết.
Nếu không có sự sắp xếp hợp lý, người dân có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển, đặc biệt với những người làm việc xa quê", ông Thắng nói.
Ông Thắng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp có thể yêu cầu người lao động làm việc vào những ngày Tết, nhưng phải trả lương gấp 2 hoặc 3 lần theo quy định, đặc biệt là đối với ca đêm, và phải đảm bảo có ngày nghỉ bù.
Song, Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động nghỉ theo lịch nghỉ của công chức, viên chức.
Trong trường hợp không thể nghỉ, người lao động vẫn làm việc bình thường. Cán bộ, công chức, viên chức cần đảm bảo trực ban để phục vụ nhân dân một cách thông suốt.
Một số ý kiến cho rằng việc cố định lịch nghỉ Tết trong nhiều năm liền có thể giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng lên kế hoạch dài hạn. Song, theo ông Thắng, việc này gặp nhiều khó khăn do phải cân nhắc nhiều yếu tố như tình hình kinh tế, xã hội, thiên tai và dịch bệnh.
"Việc cố định một lịch nghỉ dài hạn sẽ gây ra nhiều bất cập. Ví dụ, năm 2025, do các ngày nghỉ Tết liền kề với cuối tuần, kỳ nghỉ Tết Âm lịch có thể kéo dài đến 9 ngày. Nhưng nếu cố định lịch này cho các năm sau đó, có thể dẫn đến sự chênh lệch và bất tiện không cần thiết", ông nói.
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành về phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, để trình Thủ tướng Chính phủ đối với người lao động khu vực nhà nước.
Theo đề xuất của Bộ này, Tết Nguyên đán 2025, cán bộ, công chức, viên chức có thể được nghỉ 9 ngày liên tục.
Cụ thể, lịch nghỉ Tết chính thức là từ thứ hai, ngày 27/1/2025, tức 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn, nối qua 29 tháng Chạp và 3 ngày mùng 1, 2, 3 Tết, tức hết ngày thứ sáu, 31/1/2025.
Tuy nhiên, liền trước 5 ngày nghỉ chính thức là 2 ngày nghỉ cuối tuần, thứ bảy, chủ nhật ngày 25-26/1/2025. Sau những ngày nghỉ chính thức lại tới 2 ngày nghỉ cuối tuần tiếp theo, thứ bảy, chủ nhật ngày 1-2/2/2025.
Vậy nên thực tế, lịch nghỉ Tết Nguyên đán tới đây sẽ bắt đầu từ thứ bảy, 25/1/2025 đến hết chủ nhật ngày 2/2/2025 Dương lịch (tức hết mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).