Vạch mặt những chiêu lừa đảo việc làm

Với những lời hứa hẹn có thu nhập hấp dẫn, nhiều trang tuyển dụng trực tuyến đã thu hút được vô số ứng viên đến nộp lệ phí xin việc, nhưng chỉ sau đó không lâu người lao động mới té ngửa khi biết đã mình bị nhà tuyển dụng lừa đảo việc làm.

Vạch mặt những chiêu lừa đảo việc làm
 Nhiều người lao động đã bị lừa đảo việc làm vì tin lời quảng cáo trên các  trang tuyển dụng trực tuyến
Bẫy việc làm trên mạng

Phản ánh với PV Chất lượng Việt Nam, anh Lê Ngọc Hải (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, anh và một số bạn bè vừa bị một “vố đau” từ nhà tuyển dụng khi nộp hồ sơ xin việc tại một trung tâm giới thiệu việc làm trên mạng xã hội facebook. “Thấy thông tin đăng tuyển nhân viên nhập liệu với yêu cầu không cao, công việc lại dễ dàng, thu nhập tốt nên rủ thêm mấy bạn đi ứng tuyển để kiếm thêm thu nhập.

Ai dè đến công ty, mình mới biết công việc không đơn giản là đánh máy thông thường mà là gõ captcha (một dãy mật mã được tạo ngẫu nhiên bằng chữ và số), lương hưởng theo sản phẩm. Điều đáng nói là mỗi hồ sơ xin vào công việc này phải nộp phí là 195.000đ”, anh Hải cho biết.

Theo anh Hải, khi tới nộp hồ sơ thì ở đó có rất nhiều bạn sinh viên đã tới nộp tuy nhiên khi được các ứng viên đến trước cho biết thì hầu hết trong số đó đều phải bỏ dở công việc vì “lỗi kỹ thuật” hoặc vì quá nản khi nhập số không đúng liên tục.

“Nộp tiền xong nhân viên mới đưa trang web riêng của công ty cho làm, nhưng có nhiều người nhập mãi mà không nổi mấy chục kí hiệu capcha, trong khi đó lương thì hưởng theo sản phẩm, nhập thế này một ngày không nổi 15.000đ, vì thế nhiều người bỏ dở giữa chừng và chấp nhận mất tiền phí”, anh Hải nói.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, trên trang rongbay.com, một công ty truyền thông đăng tuyển 100 cộng tác viên, lương từ 4-6,7 triệu đồng/tháng, chưa kể hoa hồng và thưởng cùng với trợ cấp phí internet 700.000 đồng và phí điện thoại 300.000 đồng/tháng… Công việc khá nhẹ nhàng, phù hợp với sinh viên làm thêm. Ứng viên chỉ cần gửi email đến địa chỉ có sẵn sẽ được chấp nhận phỏng vấn... Tuy nhiên, sau phỏng vấn, nhiều người thất vọng khi biết công ty dùng “chiêu” lôi kéo lao động để thu phí.

Cụ thể, khi vào phỏng vấn, người lao động phải nộp 100.000 đồng; nếu nhận việc phải đóng thêm 590.000 đồng; lương nhận theo năng suất làm việc chứ không có mức cụ thể như quảng cáo. Do quá cần việc làm, một số sinh viên chấp nhận đóng phí để rồi mất tiền mà chả biết kêu ai.

Đã từng đi nộp hồ sơ và không ít lần gặp phải công ty lừa đảo, Vũ Ngọc Tùng một sinh viên chia sẻ: “ Họ có nhiều chiêu để moi tiền của mình lắm. Thường thì họ sẽ nói chuyển hồ sơ của bạn, cần tiền đi lại để chuyển hồ sơ, cần xác minh thêm hồ sơ hoặc chuyển bạn làm một công việc khác, thử thách bạn với công việc ngoài khả năng để bạn mất tiền đặt cọc rồi những vẫn phải bỏ cuộc”.

Hải còn cho biết, người xin việc đến công ty lừa đảo thường phải bỏ ra một số tiền không nhỏ cho bên tuyển dụng hoặc môi giới. Số tiền này được bên tuyển dụng thu dưới hình thức là tiền cò, tiền đặt cọc, tiền thế chân, hoặc tiền làm hồ sơ, phí đào tạo.
Nhiều chia sẻ cảnh báo những mánh lừa đảo việc làm được đăng trên mạng
Nhiều chia sẻ cảnh báo những mánh lừa đảo việc làm được đăng trên mạng
Nhiều chia sẻ cảnh báo những mánh lừa đảo việc làm được đăng trên mạng

Cần đề cao cảnh giác

Hiện nay, ngoài những trang web tuyển dụng trực tuyến, nhiều trang web mua bán, rao vặt, diễn đàn, Facebook cũng cập nhật nhiều thông tin tuyển dụng. Chỉ cần vào Goolge gõ từ khóa “tìm việc làm”, người lao động đã có trong tay 83,9 triệu kết quả trong 0,15 giây.

Trước bạt ngàn thông tin tuyển dụng nhưng do mù mờ thông tin khi tìm việc trực tuyến, nhiều người lao động đã bị nhà tuyển dụng đưa “vào tròng” cho đến khi tiền mất mà vẫn không có được một công việc như mong đợi.

Hiện nay, để hỗ trợ ứng viên tìm việc, nhiều bạn trẻ đã tự lập nên các trang mạng xã hội để cảnh báo, tư vấn như “Những trò lừa đảo sinh viên cần biết’, “Vạch mặt các công ty lừa đảo”, “Hội hỗ trợ việc làm thêm cho sinh viên”. Một số website tìm kiếm việc làm như timviecnhanh.com, enbien.com cũng có những bài đăng cảnh báo về các công ty lừa đảo để các thành viên có thể tìm hiểu và tránh bị lừa.

Chia sẻ kinh nghiệm, Nguyễn Khắc Hoàng - thành viên Ban quan trị củɡ trang mạng xã hội “Những trò lừa đảo sinh viên cần biết” nói: “Nhìn vào bài đăng tuyển đã có thể xác định 50% đó có phải lừa đảo hay không. Về cơ bản, một công ty nghiêm túc sẽ có website riêng, mã số thuế và mọi thông tin trên web sẽ rất rõ ràng và công khai”.
Hoàng bày cách cho bạn trẻ: “Độ tin cậy qua tìm việc ở các trung tâm môi giới không cao bằng trực tiếp đến công ty nộp hồ sơ dự tuyển”.

Anh Ngô Hải Lâm, Trung tâm xúc tiến việc làm cho Thanh niên cho biết, đối với những công việc nhẹ nhàng mà lương từ 2 triệu đến 5 triệu cũng nên xem xét kỹ. Chẳng có công việc nào nhàn nhã mà hưởng lương cao cả. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp do chủ quan nên người xin việc dễ dàng bỏ qua các tiếu chí đánh giá độ tin cậy.

Theo ông Bùi Ngọc Quốc Hưng, Giám đốc điều hành CareerBuilder Việt Nam, việc người lao động không tìm hiểu kỹ thông tin về các trang việc làm trực tuyến và công ty tuyển dụng đã tạo cơ hội cho nhiều cá nhân, “cò mồi”, cơ sở giới thiệu việc làm “chui” lợi dụng lừa đảo hoặc trục lợi. “Người lao động nên tìm việc trên những website việc làm uy tín và cẩn thận khi các công ty tuyển dụng yêu cầu ứng viên khai báo thông tin về tài khoản ngân hàng” - ông Hưng khuyến cáo.

Trong bài viết cảnh báo các ứng viên về hành vi lừa đảo, Ban quan trị của nhiều trang tìm việc đều nhấn mạnh với bạn trẻ: “Để tìm việc an toàn, bạn KHÔNG NỘP PHÍ cho nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng chân chính luôn sẵn sàng trả chi phí để có ứng viên phù hợp”.



Theo Báo Chất lượng VN