Cảnh giác với các chiêu lừa người lao động
Đánh vào tâm lý của những sinh viên, người mới ra trường đang mong mỏi tìm kiếm việc làm, nhiều công ty, cơ sở và trung tâm môi giới đã bày ra những chiêu trò khiến người lao động “tiền mất, tật mang”.
Sinh viên, người lao động ít kinh nghiệm rất dễ rơi vào “bẫy” của các công ty, trung tâm môi giới lừa đảo (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Giữa năm 2014, khá nhiều sinh viên mới ra trường đã được một công ty chuyên kinh doanh mặt hàng tiêu dùng ở TP.HCM dành cho trẻ em “chiêu dụ”. Công ty này đưa ra những ưu đãi hết sức cho người lao động thông qua các tin tuyển dụng như: cơ hội lớn cho sinh viên mới ra trường, lương chính thức rất cao, được thăng chức nếu có biểu hiện tốt, được tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước. Rất nhiều sinh viên mới ra trường đã hồ hởi tham gia ứng tuyển vào những vị trí của công ty. Tuy nhiên, điều kiện phía công ty đưa ra khá ngặt nghèo: thử việc 6 tháng, và thời gian thử việc sẽ đảm nhận những vị trí rất thấp như bán hàng, sale… với mức lương “hẻo”, chủ yếu là để học việc, tìm hiểu. Chỉ khi nào qua được giai đoạn thử thách này thì mới được hưởng nhiều ưu đãi và lương rất cao.
Đang cần việc, nhiều sinh viên mới ra trường đã chấp nhận vị trí và mức lương nói trên. Tuy nhiên, kết quả là hầu hết những người được nhận việc bị sa thải trước 6 tháng với lý do “không hoàn thành công việc”, rồi lại đến đợt tuyển dụng mới. Cứ thế, công ty nói trên vừa sử dụng lao động với giá cực rẻ lại lách được các chế độ bắt buộc như bảo hiểm y tế, hợp đồng lao động… Cho đến nay, công ty nói trên vẫn đăng tuyển dụng hàng loạt và khá nhiều người lao động thiếu thông tin vẫn mắc lừa.
Một trường hợp khác mà sinh viên kiếm việc làm thêm, mới ra trường thường gặp, đó là bị lừa “đặt cọc tiền” trước khi nhận vào làm. Như trường hợp của Hoàng, sinh viên năm cuối Đại học Hồng Bàng, TP.HCM. Hoàng được một công ty kinh doanh mỹ phẩm nhận vào chân giao hàng, công việc nhàn hạ, lương cao. Chỉ có điều là trước khi làm phải đặt cọc gần 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi Hoàng làm được một tháng thì xin nghỉ việc vì lượng hàng giao quá dày đặc khiến Hoàng không đảm bảo việc học. Lúc này, Hoàng xin lại số tiền đặt cọc thì công ty trở mặt, bảo số tiền nói trên không chỉ là tiền cọc mà là khoản tiền sẽ mất nếu người lao động bỏ việc nửa chừng. Chiêu bài lừa tiền đặt cọc được khá nhiều công ty sử dụng, nếu người lao động sau khi làm một thời gian ngắn tự xin nghỉ việc thì công ty trở mặt, chiếm số tiền đặt cọc…
Rõ ràng các công ty nói trên đã có hành vi vi phạm pháp luật nhưng có chiêu “lách luật” kín kẽ, tinh vi nên hầu như người lao động bị lừa chỉ âm thầm rút kinh nghiệm chứ không đi tố cáo vì nghĩ là chuyện nhỏ. Chính vì thế, các công ty này mới có cơ hội lừa người lao động lâu dài mà không bị pháp luật “sờ” đến.
Bởi vậy, người lao động nên hết sức thận trọng khi xin việc, đặc biệt với những nơi có đóng phí, xem kĩ các điều khoản ràng buộc và nhất là không nên tin vào các “hứa hẹn trên trời” của các công ty. Ngoài ra, khi lựa chọn một nơi để ứng tuyển cũng cần tìm hiểu kĩ thông tin từ phía người quen và trên mạng xã hội…
Theo Báo Pháp luật VN