Tỷ phú Jack Ma: Thất bại chính là sự bỏ cuộc

Tỷ phú Jack Ma - ông chủ Alibaba, sẽ có mặt ở Trung tâm hội nghị quốc gia vào 16h chiều ngày 6/11 để tham dự buổi nói chuyện với các sinh viên tại Hà Nội nhằm khơi gợi tinh thần hoài bão cho các bạn trẻ Việt Nam.

Là sáng lập viên, chủ tịch và người giữ 7,8% cổ phần của Alibaba, Jack Ma là biểu tượng của một trong những trí tuệ hàng đầu thế giới dù xuất thân nghèo khó. Tài sản của vị tỷ phú này, theo ước tính của Forbes, đạt 39,6 tỷ USD, là người giàu thứ 2 ở Trung Quốc, trong đó phần lớn đóng góp từ cổ phần ở Alibaba, 37,9% cổ phần của Ant Financial, gần 50% cổ phần tại Alipa - nền tảng thanh toán trực tuyến của Alibab.

Hiện nay, Alipay chiếm 70% thị phần tại Trung Quốc và có đến 400 triệu người dùng với 70 triệu thanh toán được thực hiện mỗi ngày.

Tháng 8 vừa qua, Forbes bình chọn Jack Ma đứng đầu bảng trong danh sách các tỷ phú ở châu Á và theo thống kê từ trang USA Today, ông hiện là người giàu thứ 18 trên thế giới.

Để có thành công như ngày hôm nay, vị tỷ phú sinh năm 1964 cũng từng phải trải qua nhiều lần thất bại cay đắng trong sự nghiệp học hành, khởi nghiệp và việc gây dựng đế chế Alibaba.

Tỷ phú Jack Ma: Thất bại chính là sự bỏ cuộc - 1

"Ông hoàng" của những thất bại

Jack Ma từng khá chật vật để vào cấp 2 khi 3 lần thi trượt cấp 2. Khi thi đại học, ông cũng từng chỉ đạt 1/120 điểm Toán và phải thi tới 2 lần mới đỗ. Ông còn từng bị trường ĐH Harvard (Mỹ) từ chối đơn xin nhập học đến 10 lần. Cuối cùng ông lựa chọn Đại học Sư phạm Hàng Châu và theo đuổi con đường giáo viên tiếng Anh như mơ ước thuở nhỏ.

Sau khi chật vật với con đường học hành, người đàn ông giàu có nhất Trung Quốc cũng lao đao suốt một thời gian dài khi đi tìm việc. Ông kiên trì đi xin việc và bị từ chối đến 30 lần. Thậm chí khi có 24 người cùng thi tuyển vào KFC, 23 người trúng tuyển chỉ mình ông bị loại.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Hàng Châu, Jack Ma trở thành giáo viên dạy tiếng Anh với mức lương khoảng 80 tệ (tương đương 273 nghìn đồng theo tỷ giá lúc đó), bên cạnh đó ông đi phiên dịch để nâng cao khả năng ngoại ngữ.

Văn phòng dịch thuật là mô hình khởi nghiệp đầu tiên của ông, tuy nhiên ông đã thất bại thảm hại với mức doanh thu chỉ là 700 tệ (tương đương với 2,3 triệu đồng).

Năm 1994, trong một chuyến công tác đến Mỹ, Jack Ma phát hiện ra một điều hoàn toàn mới mẻ - Internet. Ông ngạc nhiên khi thấy mọi người kết nối với thế giới chỉ bằng máy tính cá nhân.

Sự kiện này đã thay đổi cuộc đời ông. Sau khi trở về Trung Quốc, Jack Ma ra mắt "China Page" – danh bạ điện thoại trực tuyến đầu tiên Trung Quốc. Sau đó, ông trở thành "Mr. Internet" của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của Mr.Internet không hề dễ dàng. Trong nỗ lực phổ biến Internet về Trung Quốc, ông phải làm việc rất chăm chỉ để thu hút sự chú ý của mọi người.

Theo báo DW, lúc đó vẫn là "thời đồ đá" của Internet tại Trung Quốc và máy tính là thứ xa xỉ. Sau nhiều thất bại, Jack Ma từ bỏ "China Page" để bắt tay vào dự án mới: Alibaba.

Khi Jack Ma trình bày ý tưởng về thương mại điện tử của mình, mọi người đều nói ông bị điên. Có rất nhiều câu hỏi về sự tin cậy, việc thanh toán và an ninh mạng khi giao dịch bằng cách thức này. Nhưng Jack Ma đáp: “Than phiền thì được cái gì? Hãy tạo ra những hệ thống để giải quyết những vấn đề đó. Là doanh nghiệp, đừng phàn nàn về những khó khăn. Hãy tìm cách giải quyết những khó khăn”.

Và thực tế là, Alibaba cũng đã trải qua muôn vàn sóng gió, nhất là trong 3 năm đầu thành lập. Vào thời điểm này, Jack Ma cũng không thể thuyết phục Thung lũng silicon đầu tư cho Alibaba. 3 năm đầu, công ty gần như không có lãi do mở rộng quá nhanh.

Jack Ma từng chia sẻ khi thành lập website taobao vào năm 2003, ông cùng các nhân viên phải về nhà và tìm sản phẩm để đăng bán trên website. Sau khi tổng hợp lại có tổng cộng 21 sản phẩm và chờ không một ai đến mua.

"Trong gần 1 tháng, hầu hết các sản phẩm mà mọi người đăng bán, chúng tôi đều mua hết. Hàng hóa ngập tràn nhà. Nhưng chúng tôi phải cố gắng để mỗi người bán đều thốt lên rằng: Ồ, website này thật sự bán được hàng đấy" - Jack Ma chia sẻ

Chấp nhận bị từ chối là một phần của cốt lõi của con người Jack Ma. Tuy nhiên, ông không tự nghi ngờ bản thân vì thất bại. Đối với Jack Ma, dấu hiệu duy nhất của sự thất bại là sự bỏ cuộc.

Sống không chỉ để làm việc

Khi bong bóng dot-com bùng nổ vào cuối thập niên 90, Alibaba lúc đó là công ty thương mại điện tử đã không có doanh thu 3 năm đầu tiên. Alibaba trên bờ vực phá sản.

Vào khoảng thời gian này, sau khi xem bộ phim "Forrest Gump" kể về câu chuyện một chàng trai bị thiểu năng trị tuệ, chỉ số IQ chỉ có là 75 và đi đứng không vững bằng đôi chân của mình, thường bị bạn bè trêu chọc. Nhờ ý chí rèn luyện không ngừng, Forrest Gump trở thành người có biệt tài chạy nhanh, chơi giỏi bóng bầu dục, tốt nghiệp đại học và gặt hái được những thành công khác trong cuộc đời. Lấy cảm hứng từ chàng trai ấy Jack Ma càng củng cố quyết tâm, lý tưởng của mình.

"Khi tôi nhìn thấy anh ta, tôi đã nghĩ: "Đây là anh chàng đáng để học hỏi". Hãy tin và yêu công việc bạn đang làm cho dù có những người thích hoặc không thích nó" - Jack Ma nói trong hội nghị kinh doanh Gateway 2017 tại Detroit (Mỹ).

Để phát triển công ty, Jack Ma phải đứng vững và học hỏi từ những thất bại đã qua và không ngừng sáng tạo.

Các ngân hàng không muốn hợp tác với Jack Ma, đó là một trong những rào cản lớn nhất của công ty Alibaba trong việc tìm cách đảm bảo thanh toán trực tuyến. Không từ bỏ, Jack Ma xây dựng hệ thống thanh toán riêng cho mình, chuyển các khoản thanh toán bằng nhiều loại tiền tệ cho người mua và người bán ở các quốc gia khác nhau và đặt tên là Alipay.

"Vào thời điểm đó, nhiều người đã nói Alipay là ý tưởng ngu ngốc nhất. Nhưng tôi không quan tâm, miễn là mọi người có thể sử dụng nó" – Jack Ma nói.

Hiện nay, 520 triệu người sử dụng Alipay. Alibaba đã trở thành sàn mua bán trực tuyến lớn nhất thế giới với 700 triệu người sử dụng.

Jack Ma ước tính ông đã tạo ra 150 triệu việc làm ở Trumg Quốc, trong đó 30.000 người được chính thức tuyển dụng.

Để kiên trì đối mặt với thất bại, Jack Ma cần cân bằng giữa cuộc sống và công việc lành mạnh. Nhờ đó, ông thích nghi với thách thức trong kinh doanh, nhưng không để mình bị hao tổn. Cuộc sống vốn dĩ không thể đoán trước.

"Tôi tự nhủ với bản thân rằng chúng ta được sinh ra không phải để làm việc mà là để tận hưởng cuộc sống. Chúng ta sống để làm cho mọi thứ tốt hơn cho nhau và chứ không phải chỉ làm việc. Nếu bạn dành cả cuộc đời mình để làm việc, chắc chắn bạn sẽ phải hối hận" – Jack Ma nói.

Công thức cân bằng, kiên trì và kiên nhẫn của Jack Ma có thể không áp dụng được cho tất cả mọi người, nhưng đối mặt với những trở ngại như một nhân vật nào đó là văn hóa phương Tây.

"Cuộc đời giống như một hộp kẹo sôcôla. Bạn không bao giờ biết được trước hương vị của viên kẹo" – Jack Ma nói.

Tại Alibaba, Jack Ma đã xây dựng văn hóa công sở đặc biệt. Ông khiến nhân viên Alibaba đối xử với ông như người lãnh đạo đầy cảm hứng và đáng kính. Kết quả là ông có đội ngũ cấp dưới chăm chỉ và siêu trung thành – những người có thể theo Ma đến tận cùng Trái Đất

Ông đã dành nhiều năm tìm hiểu văn hóa phương Tây, khái niệm quản lý và các mô hình kinh doanh thành công. Ông áp dụng và học tập những kiến thức này với văn hóa Trung Quốc và cá tính của mình để tạo ra môi trường làm việc độc đáo cho Alibaba.

Ma đã chứng minh rằng với phong cách quản lý độc đáo của ông, văn hóa phương Tây và phương Đông hoàn toàn có thể kết hợp và tạo ra một kết quả tốt đẹp.

Dự kiến ngày 6/11, tỷ phú Jack Ma sẽ có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sau đó là buổi làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng.

Cùng ngày, ông chủ Alibaba sẽ tham dự Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam khai mạc vào sáng 6/11. Trong chương trình, tỷ phú sẽ có một phiên đối thoại xoay quanh kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên thiết bị di động ở Trung Quốc (qua ứng dụng Alipay) và câu chuyện toàn cầu hoá của Alibaba.

Sau đó, vào cuối buổi chiều, tỷ phú này sẽ có buổi nói chuyện với các sinh viên tại Hà Nội nhằm khơi gợi tinh thần, hoài bão cho các bạn trẻ Việt Nam.

Jack Ma cũng tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp