Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 71,2 %
(Dân trí) - ”Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội ở Việt Nam đạt mức cao so với các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ là 71,2%. Nhiều gương mặt nữ doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam được các Diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận”.
Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Châu Á - Thái Bình Dương về 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh. Chương trình được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị thủ đô Bangkok, Thái Lan hôm 27/11.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị, thứ trưởng Lê Quân cho biết trong 25 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm thực hiện hóa các mục tiêu của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và các cam kết quốc tế khác về bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và củng cố luật pháp, chính sách của quốc gia.
“Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể nhằm giảm thiểu quy định mang tính chất phân biệt đối xử đối với cả phụ nữ và nam giới. Nổi bật là Bộ luật Lao động năm 2012 (sửa đổi), vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua với nhiều nội dung tiến bộ thúc đẩy bình đẳng giới trong lao động” - Thứ trưởng Lê Quân phát biểu.
Hội nghị sẽ thông qua một Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng với các biện pháp nhằm thúc đẩy việc thực hiện bình đẳng giới. Tuyên bố này sẽ phục vụ cho việc Ủy ban Địa vị Phụ nữ (CSW) rà soát việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh ở quy mô toàn cầu trong phiên họp thứ 64 vào tháng 03/2020 tại New York, Hoa Kỳ.
Trong đó có việc thu hẹp khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu của người lao động từ 5 năm xuống còn 2 năm, bổ sung định nghĩa về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc và các quy định phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc…
Cũng theo ông Lê Quân, những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới đã cải thiện rõ rệt vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội luôn ở mức cao trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thế giới (đạt 27,06%), tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ là 71,2%.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các Diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và được tôn vinh là những Doanh nhân quyền lực nhất Châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, thứ trưởng Lê Quân cũng cho biết nhiều thách thức trong việc đảm bảo bình đẳng giới tại Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung còn tồn tại.
“Đó là các chuẩn mực xã hội về vai trò của đàn ông và phụ nữ, tư tưởng trọng nam khinh nữ, số liệu thống kê có tách biệt giới chưa đầy đủ, nguồn lực cho công tác bình đẳng giới còn hạn chế. Ngoài ra, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới đời sống của người dân trong đó có phụ nữ, trẻ em, cũng là những vấn đề đang chờ chúng ta giải quyết” -Thứ trưởng Lê Quân chia sẻ.
Từ kinh nghiệm của Việt Nam, ông Lê Quân cho rằng để đạt được thêm nhiều tiến bộ về bình đẳng giới, cần đảm bảo một nhận thức chung là phát triển kinh tế phải đi cùng với tiến bộ xã hội, giảm nghèo và chú trọng hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Ngoài ra, việc tăng cường hơn nữa hệ thống quản lý nhà nước về bình đẳng giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới với các chương trình, sáng kiến ở tất cả các cấp, các lĩnh vực cũng đóng vai trò quan trọng.
Theo đó, Việt Nam sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác giữa chính phủ và các bên liên quan, trong đó có các cơ quan của Liên hợp quốc để tối đa hóa sự hỗ trợ và kết quả về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ.
“Việt Nam quyết tâm thực hiện các giải pháp đã nêu trong Báo cáo quốc gia 25 năm rà soát việc thực hiện Cương lĩnh và hướng tới thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển ”, ông Lê Quân khẳng định.
Bên lề hội nghị, Thứ trưởng Lê Quân cũng có cuộc tiếp xúc với bà Anita Bhatia, Phó Tổng giám đốc phụ trách Quản lý nguồn lực, Bền vững và Quan hệ đối tác của Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc - UN Women.
Qua trao đổi, bà Anita Bhatia rất ấn tượng với những thành quả của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới, và bày tỏ việc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc tiếp tục phát triển Gói Dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực (ESP), chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phòng ngừa và ứng phó bạo lực giới, và thúc đẩy hợp tác về bình đẳng giới trong năm 2020 khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN.
Phúc Thanh