Tuyển sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp: Gỡ khó bằng quy hoạch?

Hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) những năm gần đây vẫn luẩn quẩn vì không thu hút được học sinh (HS).

Nhiều ý kiến cho rằng, việc hỗ trợ HS học nghề có sự khác nhau giữa công lập và tư thục; DN đòi hỏi HS phải có bằng tốt nghiệp lớp 12… là những rào cản đối với trường TCCN.

Chưa chú trọng phân luồng

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong năm 2015 chỉ có 143.135 HS nhập học các cơ sở TCCN trong tổng số 280.640 chỉ tiêu được xác định (51%). Công tác tuyên truyền, hướng nghiệp thực tế đã có dấu hiệu tốt khi số HS tốt nghiệp THCS vào học TCCN là 30.907 em (chiếm 22%), tăng hơn 10.000 HS so với năm 2014.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác phân luồng HS sau THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chưa được chú trọng đúng mức. Hơn nữa, còn thiếu các chính sách, cơ chế và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý GDNN ở T.Ư và địa phương để khuyến khích người học tốt nghiệp THCS vào học ở các cơ sở GDNN.


Một buổi thực hành tại trường Trung cấp nghề cơ khí 1 Hà Nội. Ảnh: Thu Anh

Một buổi thực hành tại trường Trung cấp nghề cơ khí 1 Hà Nội. Ảnh: Thu Anh

Tại cuộc họp trực tuyến tổng kết năm học 2015 - 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 của hệ TCCN vừa diễn ra, đại diện nhiều địa phương đều bày tỏ trăn trở trong phân luồng, hướng nghiệp và tuyển sinh.

Ông Vũ Văn Trà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng, nếu có chỉ đạo thống nhất từ Bộ GD&ĐT, điều tiết ngay từ chỉ tiêu vào THPT và chỉ tiêu vào ĐH, CĐ sẽ thực hiện được phân luồng và tránh lãng phí trong đào tạo. Đại diện Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng khẳng định, cần kiên quyết thực hiện đến năm 2017, các trường ĐH không đào tạo TCCN, tiến tới giảm dần chỉ tiêu đào tạo TCCN ở trường CĐ, một mặt cần có chính sách mạnh hơn với phân luồng.

Công bằng trường công, tư

Cái khó của hệ thống các trường TCCN rất rõ nét: Nhiều cơ sở đào tạo TCCN không tuyển đủ chỉ tiêu, đặc biệt có hơn 20 cơ sở không tuyển được HS trong năm 2015.

Đi tìm lời giải cho bài toán khó tuyển này, đại diện trường Trung cấp Bến Thành (TP Hồ Chí Minh) cho biết, TP làm rất quyết liệt vấn đề phân luồng. Tuy nhiên, bất cập vẫn còn, mà một trong số đó là do việc hỗ trợ HS học nghề có sự khác nhau giữa trường công lập và tư thục: “Bộ GD&ĐT cũng như các tỉnh hãy tin các trường tư thục, hỗ trợ cho HS học nghề trường công lập như thế nào nên cấp cho HS trường nghề tư thục như thế. Đồng thời, ngành cũng phải “đả thông” quan điểm cho các cơ sở tuyển dụng, bởi học viên học nghề theo diện 9+3 đến xin việc tại các DN rất khó khi họ vẫn đòi bằng tốt nghiệp THPT 12 năm”.

Ông Phạm Quang Vinh - Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long còn bày tỏ, GDNN đang gặp khó từ chế độ chính sách, nên các trường phải tự chứng minh năng lực với xã hội. “Trường đã tìm hiểu nhu cầu thực tế của thị trường, mở nhiều mã ngành, thậm chí chưa có trong danh mục ngành nghề của Bộ GD&ĐT (hơn 15 ngành mới từ năm 2010), đem lại 1/2 thu nhập cho trường. Nếu không chứng minh mình đem lại dịch vụ tốt có lợi ích thực tiễn thì không kết nối được với DN.

Để làm được phải có chuyên gia để tiếp cận DN, các chuyên gia chỉ rõ hạn chế, tồn tại, cách thức cải thiện với sản phẩm đào tạo phù hợp chi phí và cam kết chất lượng. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với DN, người sử dụng lao động là không thể thiếu trong đào tạo TCCN” - ông Vinh nhấn mạnh.

Thừa nhận những bất cập trong đào tạo hệ TCCN, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, quan điểm của Bộ GD&ĐT luôn coi giáo dục chuyên nghiệp là bậc học quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân. “Tuy nhiên, HS tốt nghiệp THCS không thể học nghề nếu vẫn có cơ hội học THPT. HS tốt nghiệp THPT không thể học nghề nếu các trường ĐH được mở nhiều như hiện nay. Để giải quyết tình trạng này, thời gian tới phải quy hoạch lại toàn bộ hệ thống giáo dục” – ông Ga nêu quan điểm.

Theo Báo Kinh tế đô thị