Từ nghèo khó tới bà chủ bán hàng nghìn lít nước mắm/năm
Chị Đào Thị Tám (SN 1970) ở thôn Đồng Dương (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình) đã gây dựng nên thương hiệu Nước mắm Long Tám nổi tiếng. Ngoài ra chị còn là bà chủ của cơ sở chế biến cá khô lớn nhất xã Bảo Ninh.
Ngôi nhà 2 tầng khang trang của chị Tám nằm cạnh con đường cái dẫn vào thôn Đổng Dương. Quanh ngôi nhà chính là 3 khu nhà kho được chị Tám bầy rất nhiều phên cá khô. Chúng được xếp thành những hàng dài trông rất đẹp mắt. Chị Tám – người chủ của những cơ sở này đang nhanh tay thu lượm lại những mớ cá khô vào túi. Người phụ nữ miền biển có nước da bánh mật, nom chị khỏe khoắn và rắn rỏi, trên khuôn mặt luôn nở nụ cười tươi rói.
Từ lâu cơ sở chế biến cá khô của chị được nhiều thương lái coi là địa chỉ vàng khi lấy hàng. Mỗi năm chị Tám còn xuất sang nước Lào hàng trăm tấn cá khô, thu lãi vài trăm triệu đồng. Nói về cách làm giàu của mình, chị Tám không giấu giếm: "Mình mua lại cá tươi rồi thuê người “nóc” cá, sau đó đem phơi bán". Theo chị Tám, muốn có cá khô ngon phải chọn được nguyên liệu tốt. Chế biến sạch sẽ và phải đảm bảo vệ sinh. Cách làm giàu của chị chỉ đơn giản là vậy nhưng để có được thành công như hôm nay, chị cũng trải qua không ít gian nan.
Mỗi năm chị Tám xuất khẩu sang Lào cả trăm tấn cá khô.
Chị Tám sinh ra và lớn lên tại xã Bảo Ninh – vùng đất chịu nhiều thiệt hại trong chiến tranh và sự tàn phá của mưa bão. Nhà chị không có ruộng nên cuộc sống trông cả vào con cá kiếm được ngoài khơi. Nguồn cá biển bấp bênh nên cuộc sống của gia đình chị rất nhiều khó khăn. Nhà đông anh em, chị phải nghỉ học sớm ở nhà phụ giúp mẹ buôn bán con cá, con tép ngoài chợ. Nhờ tính chịu thương, chịu khó, nên chị đã dần quen với chợ búa để kiếm sống.
Sau nhiều năm cố gắng tìm tòi cách làm nước mắm, chị Tám đã gây dựng được thương hiệu nước mắm Long Tám nổi tiếng ở TP. Đồng Hới.
Nhờ tài tháo vát, ham học hỏi, dám đầu tư và khéo tay, chẳng mấy chốc cơ sở làm cá khô và nước mắm của chị được các thương lái biết đến. Từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, chị đã mạnh dạn vay tiền mua thêm đất để mở rộng sản xuất. Khoảng mười năm trở lại đây, nhờ tìm được mối tiêu thụ cá khô tại Lào, cơ sở chế biến hải sản của chị không ngừng được nâng lên. Từ việc chỉ tiêu thụ vài tấn một năm, sau mỗi năm sản lượng cá tiếp tục nâng lên vài chục tấn và giờ là cả trăm tấn 1 năm.
Giờ đây cơ sở chế biến cá khô của chị tạo việc làm thường xuyên cho 15 phụ nữ, với mức thu nhập từ 150-200 nghìn đồng cho 1 ngày công. Dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở chế biến nước mắm, chị Tám không giấu được niềm tự hào: “Từ hộ gia đình nghèo, giờ gia đình tôi đã thoát nghèo và làm giàu từ cá và làm nước mắm. Vui hơn cả là tôi giúp được nhiều chị em có việc làm”. Cơ sở sản xuất nước mắm của chị cũng được nhiều người biết đến. Mỗi năm tiêu thụ được hàng nghìn lít nước mắm.
Theo Danviet.vn