Khởi nghiệp - làm sao cân bằng công việc và gia đình?

Kinh nghiệm cân bằng cuộc sống từ những doanh nhân khởi nghiệp khi đã có gia đình.

Điều hành công ty và chăm sóc gia đình đều là những công việc đòi hỏi sự chuyên tâm của một người. Chúng ta thường buộc phải hy sinh một trong hai để tập trung cho điều còn lại. Nhưng có cách nào để cân bằng được cuộc sống và công việc kinh doanh mà không cần đến sự từ bỏ đó không?

Cathy Deano và Renee Maloney, đồng sáng lập Painting With A Twist, gặp nhau khoảng 10 năm trước, khi cùng tham gia tình nguyện tại một trường tiểu học. Sau đó, cả hai đã cùng nhau khởi nghiệp. Công ty của họ hiện là thương hiệu nhượng quyền hàng đầu trong lĩnh vực studio hội họa tại Mỹ.

"Sau thời gian nỗ lực cân bằng cuộc sống, tôi đã nhận ra rằng: hôm nay mình có thể là người lãnh đạo giỏi và ngày mai lại trở về làm người mẹ đảm đang", Maloney chia sẻ, "Nhưng hiếm khi tôi có thể vừa làm lãnh đạo giỏi, vừa làm người mẹ tốt trong cùng một ngày".

Khởi nghiệp - làm sao cân bằng công việc và gia đình? - 1

Trải qua những thử thách trên con đường vừa khởi nghiệp kinh doanh, vừa làm cha mẹ, Deano nhận thấy: "Mọi chuyện đều có thể xảy ra nên bạn đừng e ngại theo đuổi ước mơ. Hãy tự nói với bản thân rằng tôi có thể làm được nên tôi sẽ cố gắng để thực hiện điều này".

Bạn đã có gia đình, và bạn đang có kế hoạch khởi nghiệp? Đây là những kinh nghiệm từ những doanh nhân đã cân bằng được giữa công việc và cuộc sống.

Cân bằng công việc kinh doanh

"Hãy kiểm soát một ngày làm việc thay vì bị công việc trong ngày kiểm soát. Bạn hoàn toàn có thể từ chối làm một việc nào đó để giữ cho mình được cân bằng", Lara Olson - Sáng lập và Giám đốc Sáng tạo của Kidcreate Studio, chia sẻ. Lời khuyên tốt nhất cô muốn gửi đến các doanh nhân khác chính là sắp xếp thứ tự ưu tiên của công việc, và làm mọi việc theo cách đơn giản nhất.

"Hãy ưu tiên tập huấn kỹ năng cho nhân viên của bạn và cho họ thời gian để cảm thấy thoải mái với công việc. Sau đó, hãy yên tâm trao quyền cho họ. Đồng nghiệp càng chia sẻ công việc thì bạn sẽ càng có thêm thời gian thực hiện những việc cần làm khác", Olson nói.

Hãy sống trong hiện tại. Khuyến khích đồng nghiệp tôn trọng thời gian trong công việc để bạn có thể tập trung hoàn toàn tại văn phòng. Và khi về nhà, hãy dành toàn bộ tinh thần và cảm xúc của bạn cho gia đình, những người thân đang ở cạnh bạn khi đó.

"Khi làm việc, tôi luôn cố hết sức. Các con không gọi cho tôi cả trăm cuộc điện thoại hàng ngày vì chúng biết tôi đang làm việc. Chúng hiểu rằng bất cứ khi nào cần, chúng đều có thể gọi tôi, nhưng các cuộc gọi không nên chỉ để mách với tôi rằng các con đang đùn đẩy nhau việc dọn dẹp nhà vệ sinh cho mèo. Chúng biết tôi sẽ không vui khi phải nhận các cuộc điện thoại vụn vặt ấy", Torrez bày tỏ.

Hãy dành thời gian cho bản thân. Chuyện nghỉ ngơi, tập thể dục và chăm sóc bản thân chẳng có gì xấu xa hay đáng ngại cả. Bạn cần phải quý trọng sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của mình.

"Tôi có những thủ tục nhất định vào mỗi buổi sáng, tại nhà lẫn văn phòng. Tôi cũng thích đi du lịch vì những chuyến đi giúp tôi tái tạo năng lượng tập trung", Deano chia sẻ.

Chấp nhận những sai lầm. Không phải quyết định nào bạn đưa ra cũng đúng hay tốt. Và điều này chẳng có vấn đề gì cả. Vì mỗi sai lầm là một cơ hội để được học và trưởng thành thêm.

"Luôn có điều gì đó mới phát sinh và làm bạn phải cân bằng cuộc sống trở lại. Sự hoàn hảo không tồn tại. Hãy gạt ước muốn hoàn hảo hóa cuộc sống sang một bên và chấp nhận rằng sự chưa hoàn hảo cũng chẳng phải là điều gì đáng ngại", Maloney bày tỏ.

Cân bằng cuộc sống gia đình

Hãy đặt gia đình ở thứ tự ưu tiên cao. Việc chăm sóc ngôi nhà, tham gia các sự kiện quan trọng của con cái hay dành thời gian hâm nóng tình cảm cùng bạn đời cũng đều quan trọng như những cuộc họp nội bộ, các sự kiện kết nối với khách hàng, đối tác.

"Tôi đã có một đội ngũ rất tuyệt vời. Tôi không muốn có bất cứ thành viên nào trong nhóm của tôi phải làm việc quá 60 giờ mỗi tuần", Torrez chia sẻ, "Tôi không muốn gắn chặt đời mình vào văn phòng và tôi tin các đồng nghiệp của tôi cũng vậy. Dĩ nhiên, công việc sẽ có những lúc vô cùng bận rộn. Nhưng đó chỉ nên là những tình huống phát sinh chứ không nên trở thành quy định buộc tất cả lúc nào cũng phải làm ngoài giờ". Hãy tạo dựng một hậu phương vững chắc. Làm chủ doanh nghiệp đồng nghĩa với thực tế rằng công việc sẽ không bao giờ rời khỏi bạn.Tương tự, một khi đã lập gia đình và có con thì đến cuối đời bạn vẫn là cha mẹ. Vì vậy, một hậu phương vững chắc sẽ giúp bạn rất nhiều trong chuyện cân bằng cuộc sống.

"Chồng tôi là người cổ vũ tôi nồng nhiệt nhất. Ra ngoài, cả anh và tôi đều làm những điều bản thân yêu thích. Về nhà, cả hai hoàn toàn dành tâm trí để tận hưởng và chăm sóc cho bầu không khí gia đình", Olson chia sẻ.

Cân bằng cuộc sống và công việc có thể là một thách thức. Song nếu bạn nhận ra rằng không ai có thể làm mọi thứ hoàn hảo trong suốt cuộc đời, bạn sẽ điều chỉnh được kỳ vọng và bao dung hơn với những sai lầm của bản thân, dù trong gia đình hay công việc.

"Thoạt đầu, chuyện cân bằng cuộc sống kinh doanh và gia đình cũng như một trò chơi nhào lộn tốc độ cao. Nhưng khi bạn đạt đến điểm cân bằng, bạn sẽ thấy bản thân tràn đầy năng lượng và sức mạnh ở cả hai vị trí ấy", Olson động viên.

Theo Doanh nhân Sài gòn/Business News Daily