Từ bài học "3 không" của Singapore: Hiến kế về cải cách tiền lương
Vấn đề lao động - tiền lương hiện nay đang được Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm. Làm thế nào để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Đặc biệt là trong việc chống tham nhũng?
“3 không” của Singapore
Là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong các nước thành viên ASEAN, Singapore còn có bộ máy nhà nước được đánh giá là trong sạch hàng đầu trên thế giới.
Thành tựu này có được là từ nhiều yếu tố, trong đó không nhỏ là từ triển khai các quy định, chính sách khiến cho công chức, quan chức Singapore phải chấp hành (ở khía cạnh khác cũng là quyền được hưởng) “3 không” về tham nhũng sau: 1. Không dám, 2. Không thể, 3. Không cần.
Không dám tham nhũng: Tức là quan chức, công chức Singapore không dám tham nhũng vì sợ hai điều sau: Bị xử lý nghiêm và bị trưng thu tiền tiết kiệm bắt buộc. Chính phủ Singapore có quy định mọi công chức đều phải trích một phần tiền lương để gửi tiết kiệm, khởi đầu là 5% lương, sau đó tăng dần, chức càng lớn thì càng phải trích nhiều. Số tiền này chỉ được nhận khi về hưu. Trong quá trình làm việc nếu phạm tội tham nhũng, cho dù ở mức độ nhẹ như cho thôi việc thì vẫn bị trưng thu khoản tiền tiết kiệm này.
Không thể tham nhũng: Tức là tham nhũng rất khó thực hiện do các quy định quản lý chặt chẽ về tài sản đối với công chức. Mỗi năm, công chức, viên chức, quan chức phải khai báo tài sản của bản thân và vợ (chồng), phải giải thích nguồn gốc hợp pháp các tài sản tăng lên, tài sản tăng lên không giải trình rõ được nguồn gốc sẽ bị coi là có tham nhũng và bị trưng thu.
Không cần tham nhũng: Tức là công chức, quan chức có mức lương cao so với mặt bằng chung của xã hội nên họ không cần tham nhũng vì đời sống vật chất được đảm bảo, có thể chu cấp cho gia đình. Không cần tham nhũng được hiểu một cách đầy đủ là công chức của Singapore được nhà nước đãi ngộ kinh tế để không cần tham nhũng mà vẫn đảm bảo tốt cho cuộc sống bản thân, gia đình.
Có nên trả lương thật cao cho công chức?
Trong “ba không” đề cập ở phần trước, thì không cần tham nhũng là cái quan trọng nhất, có ảnh hưởng đến hai cái còn lại. Bởi vì, công chức đi làm cũng như mọi người, cái họ quan tâm nhất vẫn là lương và chế độ chính sách.
Trong thời đại hiện nay, lương của công chức thấp thì nhà nước sẽ không có được bộ phận hoạch định chính sách chất lượng, thậm chí còn tham mưu, hay thực hiện theo lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm để lo cho bản thân, khó lòng mà nghĩ tới lợi ích dân tộc.
Nhiều người có thể thắc mắc, tại sao không đề cập đến việc đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, giáo dục phẩm chất đạo đức cho đội ngũ công chức (ở thời bình, trong điều kiện lương chưa đủ sống mà đòi hỏi sự cống hiến, hy sinh là rất khó); thực ra những điều này thường là khẩu hiệu, định hướng mà thôi, cái cốt lõi của chất lượng làm việc vẫn ở mức lương.
Nhìn tận cùng vấn đề, công chức cũng là người đi làm thuê cho xã hội, lương thấp thì chất lượng, hiệu quả công việc thấp, người tài cũng sẽ ra đi giống như thực trạng vấn đề nhân lực của các doanh nghiệp mà thôi. Khi đã đảm bảo được cuộc sống cá nhân và gia đình, người công chức tiếp xúc với dân dễ vui vẻ, nhiệt tình, làm việc chăm chỉ, hiệu quả hơn, mặt khác nỗi sợ hãi bị mất vị trí công việc hiện tại (thu nhập cao) cũng lớn hơn, sẽ hạn chế hoặc không dám tham nhũng.
Nhìn lại Việt Nam, chúng ta chưa đạt được yêu cầu nào trong cả 3 không:
1. Không cần: Chế độ lương thấp (theo một số nghiên cứu, lương của nhóm công chức hành chính chỉ chiếm 25-30% thu thập của người đi làm) không thể nào kỳ vọng công chức không cần tham nhũng;
2. Không thể: Dù có quy định về kê khai, quản lý tài sản công chức nhưng tình trạng thiếu công khai, thiếu chế tài xử lý đang làm giảm đi gần hết giá trị của các quy định này nhằm có thể đạt được yêu cầu không thể tham nhũng;
3. Không dám: Việt Nam chưa có quy định nào về tiền tiết kiệm bắt buộc và trưng thu số tiền này, nhưng với tình trạng lương của công chức Việt Nam như hiện nay, đòi hỏi hàng tháng công chức phải trích tiền ra gửi tiết kiệm rất khó thành hiện thực vì đa số công chức còn chưa đủ sống với đồng lương của mình, còn việc xử lý tham nhũng đôi khi, có nơi còn ngại va chạm, nể nang, chưa nghiêm túc.
Vậy thì Việt Nam cần học tập cái gì: Thứ nhất, trưng thu tiền tiết kiệm thì hiện chưa khả thi; Thứ hai, quản lý tài sản của công chức cần siết chặt nhưng thực sự với việc quản lý tài sản nói chung, quản lý tài sản công chức nói riêng còn rất yếu, khó có thể là cái chính; Như vậy chỉ còn cách cuối cùng là trả lương cao, đó cũng là chính sách quan trọng nhất.
Vậy là, bài học lớn nhất từ “3 không” của Singapore cho Việt Nam là trả lương cao cho cán bộ công chức.
Làm thế nào để công chức có lương cao?
Tình trạng ngân sách của Việt Nam hiện thu không đủ bù chi, tỉ lệ chi chủ yếu là dành cho chi trả lương thì tăng lương ngay để công chức có mức lương cao so với mặt bằng xã hội là việc gần như không thể thực hiện.
Có nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu công chức sớm hưởng lương cao, nhưng theo tôi đây là 3 điều cơ bản, cốt lõi cần làm: 1. Tinh gọn bộ máy Nhà nước; 2. Kiểm tra, đánh giá đúng được kết quả làm việc của từng cán bộ, công chức; 3. Thực hiện lộ trình tăng lương nhanh, mạnh hơn nữa (cải cách tiền lương).
Về tinh gọn bộ máy Nhà nước: Chính phủ có thể xem xét thực hiện một số cách mà nhiều người đã nói đến như: 1. Thực hiện chế độ hợp đồng, bỏ biên chế suốt đời, để mỗi công chức luôn có trách nhiệm, tránh hiện tượng một số người cố tình trây ỳ vì biết khó sa thải; 2. Giảm cơ học, bằng cách gộp một số bộ, ngành ở Trung ương và sở, ngành ở địa phương (nếu không gộp bộ, ngành ở Trung ương mà chỉ gộp sở, ngành ở địa phương thì với một số tỉnh thành có số lượng dân cư lớn như TPHCM thì nên giữ nguyên, không gộp nhằm đảm bảo yêu cầu của công tác quản lý) và sáp nhập tỉnh/thành, sáp nhập quận/huyện, sáp nhập phường/xã (ví dụ: Từ 63 tỉnh, thành như hiện nay giảm còn 39 tỉnh/thành; tỉnh nào xét thấy cần phải giảm số lượng quận, huyện thì cũng sáp nhập).
Về cải cách lương, hơn mười năm gần đây, Chính phủ Việt Nam thực hiện nhiều đợt tăng lương cho đội ngũ công chức nhưng mức tăng đó chưa đủ, và thực tế là Chính phủ cũng không thể tăng lương hơn được nữa với bộ máy nhà nước cồng kềnh như hiện nay. Với nhiều đối tượng hưởng lương như vậy (khoảng 11 triệu người), Chính phủ không thể tăng lương theo kiểu dàn trải cho mọi đối tượng, cần tập trung nguồn lực ngân sách để tăng lương chỉ cho đội ngũ công chức, tách ngân sách trả lương cho công chức riêng biệt với khu vực sự nghiệp và những người đang làm trong cơ quan Đảng, hội, đoàn thể.
Từng bước, Đảng và các đoàn thể phải tự lo vấn đề lương, Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần. Nhưng muốn có đột phá trong vấn đề lương công chức vẫn bắt buộc phải thực hiện tốt hai giải pháp ở trên: Tinh gọn bộ máy; và kiểm tra, đánh giá kết quả chính xác phục vụ cho hoạt động kỷ luật, sa thải.
Theo Khải Duy/Báo Lao động