Quy định về cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động

Theo ý kiến của ông Lê Hồ Bắc (lehobac1970@...), việc áp dụng Nghị định 55/2013/NĐ-CP và Thông tư 01/2014/TT-BLĐTBXH để xử phạt doanh nghiệp làm dịch vụ bảo vệ không có giấy phép cho thuê lao động còn chưa hợp lý.


Ông Bắc cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ không phải là các doanh nghiệp cho thuê lao động mà chỉ là doanh nghiệp sử dụng nhân viên bảo vệ để kiểm soát và giám sát nội quy quy định của khách hàng (nhiệm vụ của nhân viên bảo vệ theo phương án bảo vệ), nhằm duy trì an ninh trật tự và an toàn tài sản cho khách hàng... Do đó, ông Bắc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại loại hình doanh nghiệp có đúng thuộc đối tượng áp dụng các loại văn bản này không?

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời ông Lê Hồ Bắc như sau:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 53 và Điều 54 của Bộ Luật Lao động năm 2012, cho thuê lại lao động “là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động

cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều chỉnh của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động” và doanh nghiệp này phải “được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động”.

Như vậy, trường hợp doanh nghiệp có hoạt động cho thuê lại lao động mà chưa tiến hành thủ tục đề nghị cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động hoặc doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại mà thực hiện việc cho thuê lại lao động đối với những công việc không thuộc Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 55/2013/NĐ-CP thì đều bị xử phạt theo Điều 9 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP.

Theo Chinhphu.vn