Trường hợp người lao động muốn nghỉ việc phải báo trước 4 tháng?

Xuân Duy

(Dân trí) - Theo luật sư, có trường hợp người lao động nghỉ việc không cần phải báo trước, có trường hợp phải báo trước 3 ngày nhưng cũng có trường hợp thời gian cần phải báo trước lên đến 4 tháng.

Anh Trần Ngọc Linh (31 tuổi) đang làm việc tại Bình Dương cho biết, vì lý do cá nhân nên muốn nghỉ việc nhưng không rõ phải báo cho người sử dụng lao động bao nhiêu ngày.

Trả lời câu hỏi trên, luật sư Nguyễn Thị Phương (Giám đốc Công ty Luật Sư 24H HCMC) cho biết, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn (không quá 36 tháng).

Theo bà Phương, pháp luật hiện hành quy định có trường hợp người lao động muốn nghỉ việc thì không cần phải báo trước, có trường hợp phải báo trước 3 ngày nhưng cũng có trường hợp thời gian cần phải báo trước lên đến 4 tháng.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động có quyền nghỉ việc không cần phải báo trước nếu bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động, bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc…

Luật sư cho rằng những trường hợp có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe, tinh thần, thậm chí danh dự và nhân phẩm của người lao động. Quy định cho phép người lao động nghỉ việc ngay lập tức mà không cần báo trước vì thế trở nên vô cùng thiết thực.

Đây chính là minh chứng rõ ràng cho thấy pháp luật đã rất quan tâm đến việc đảm bảo sự công bằng giữa người lao động và người sử dụng lao động, cũng như phòng chống các hình thức quấy rối, xâm hại tại nơi làm việc.

Cũng theo bà Phương, ngoại trừ những trường hợp người lao động được phép nghỉ không phải báo trước nêu trên thì đối với các trường hợp khác người lao động khi muốn nghỉ việc phải tuân thủ quy định về thời gian báo trước.

Theo đó, tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật lao động 2019 thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

Thứ nhất đối với hợp đồng không xác định thời hạn phải báo trước ít nhất 45 ngày. Thứ hai đối với hợp đồng có thời hạn 12 tháng đến 36 tháng phải báo trước ít nhất 30 ngày. Thứ ba đối với hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng phải báo trước ít nhất 3 ngày.

Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù như thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay; người quản lý doanh nghiệp, thuyền viên… khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với những người lao động này thì phải tuân thủ theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Theo đó, đối với hợp đồng không xác định thời hạn hoặc hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên cần báo trước ít nhất 120 ngày. Còn đối với hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng thì cần báo trước ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng.

Bên cạnh đó, luật sư Phương cho biết thêm theo quy định tại Điều 40, Bộ luật Lao động hiện hành người lao động không báo trước đúng thời hạn nêu trên thì phải chịu những hậu quả, nghĩa vụ như không được hưởng trợ cấp thôi việc, phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương và các nghĩa vụ khác.