Trường hợp được coi là tai nạn lao động hưởng trợ cấp gì?
Ông Hoàng Đức Long (duclong1966@...) là giáo viên tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Vĩnh Linh thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị. Tháng 5/2014, ông Long bị tai nạn giao thông trên đường đến trường giảng dạy. Ông Long đã làm hồ sơ để giám định thương tật tai nạn lao động.
Nay, ông Long muốn tìm hiểu về quyền lợi của cá nhân theo quy định của Bộ Luật Lao động, cụ thể như sau:
- Việc sơ cấp cứu, điều trị tại bệnh viện, ông có được cơ quan chủ quản (người sử dụng lao động) trả mọi kinh phí điều trị và phục hồi chức năng không? Nếu các hình thức tai nạn gây ra khác nhau, thì cách tính chi trả cho việc sơ cấp cứu, điều trị, phục hồi sức khỏe có khác nhau không?
- Các mức chi trả kinh phí điều trị cho người bị tai nạn lao động được quy định thế nào? Nếu ông Long điều trị cấp cứu tại bệnh viện tuyến trên (vượt tuyến) có được người sử dụng lao động thanh toán theo hóa đơn điều trị hay không? Nếu không thanh toán theo hóa đơn, thì người sử dụng lao động thanh toán kinh phí điều trị cho ông theo chế độ, định mức nào?
- Ông Long bị tai nạn gãy xương chân nặng, phải phẫu thuật nẹp định vị xương, vì vậy sau khi ra viện vẫn mua thuốc điều trị định kỳ và sau thời gian hồi phục chức năng, sức khỏe, phải phẫu thuật lại lần thứ hai. Vậy, kinh phí phẫu thuật điều trị cho lần này có được người sử dụng lao động chi trả không?
- Trong thời gian hồi phục sức khỏe, ông Long không thể tham gia công tác giảng dạy, thì có được hưởng nguyên lương và chế độ phụ cấp ưu đãi không? Nếu được hưởng lương và phụ cấp ưu đãi, thì thời gian được hưởng tối đa là bao nhiêu tháng từ khi phẫu thuật?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Điều 144 của Bộ Luật lao động năm 2012 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động. Người lao động được hưởng chế độ quy định tại Điều 144 này là người bị tai nạn lao động được quy định tại Điều 142 của Bộ luật Lao động năm 2012.
Căn cứ theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 3 Thông tư liên tịch số 12/2012/TTLT-BLĐTBXH – BYT ngày 21/5/2012 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê báo cáo tai nạn lao động, nếu đủ căn cứ để chứng minh tai nạn xảy ra đối với ông Hoàng Đức Long khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý thì tai nạn đó được coi là tai nạn lao động. Đây là căn cứ để lập hồ sơ giải quyết các chế độ đối với người bị tai nạn được coi là tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bao gồm:
- Chế độ trợ cấp tai nạn lao động từ người sử dụng lao động tuỳ theo mức độ suy giảm khả năng lao động theo quy định tại điểm a, Khoản 1 mục II Thông tư số 10/2003/TT-BLĐTBXH ngày 18/4/2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, nếu ông Hoàng Đức Long tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hiện nay, pháp luật chưa quy định các trường hợp được coi là tai nạn lao động được hưởng mọi chế độ như người bị tai nạn lao động (bao gồm cả chi phí y tế, tiền lương trong thời gian điều trị).
Theo Chinhphu.vn