Trường hợp nào được nghỉ hưu trước tuổi?

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Điệp công tác tại Quỹ đầu tư phát triển đất và bảo lãnh tín dụng của tỉnh. Bà Điệp đề nghị giải đáp về việc nghỉ hưu trước tuổi đối với trường hợp 1 nhân viên trong đơn vị bà, sinh năm 1962, trước đây là quân nhân chuyên nghiệp, năm 1991 chuyển ngành về 1 đơn vị sự nghiệp, đến tháng 10/2011 chuyển công tác về đơn vị của bà Điệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhân viên này có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 1981 đến nay, hiện hưởng lương nhân viên lái xe bậc 4/4. Theo yêu cầu công tác của đơn vị, nhân viên này phải kiêm nhiệm một số công việc khác ngoài công việc lái xe. Do tuổi cao sức khỏe suy giảm và không có chuyên môn khác nên gặp nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ.

Bà Điệp hỏi, nếu nhân viên này có nguyện vọng thì có được giải quyết nghỉ hưu trước tuổi không?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời:

Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động được quy định tại Điều 51 Luật BHXH như sau:

Người lao động đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 50 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên

- Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Tại Điều 52 Luật BHXH quy định: Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 50 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này được tính như quy định nêu trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 1%.

Trường hợp nhân viên sinh ngày 13/7/1962, đến thời điểm này ông đang ở tuổi 52 tuổi, đã có thời gian đóng BHXH 33 năm. Nếu sức khỏe bị suy giảm, người lao động có thể yêu cầu đơn vị lập hồ sơ gửi đi giám định khả năng lao động.

Trường hợp Hội đồng giám định y khoa kết luận bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, đơn vị có trách nhiệm làm thủ tục và đề nghị cơ quan BHXH giải quyết cho người lao động hưởng lương hưu với mức thấp hơn, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì giảm 1%.

Qua thông tin cung cấp, được biết nhân viên nêu trên là quân nhân chuyên nghiệp đã chuyển ngành về đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì khi nghỉ hưu, cách tính lương hưu được thực hiện theo quy định tại khoản 7, Điều 34 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo khoản 4, Điều 1 Nghị định số 153/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 8, Mục IV, Phần A Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT/BQP-BCA-BLĐTBXH đã được sửa đổi, bổ sung và thay thế theo khoản 3, Điều 1 Thông tư số 101/2014/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH.

Người lao động đã đóng BHXH trên 30 năm, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Mức trợ cấp được tính theo số năm đóng BHXH kể từ năm thứ 31 trở đi, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Sổ BHXH của người lao động ghi nhận thời gian công tác đóng BHXH, diễn biến tiền lương đóng BHXH là cơ sở để giải quyết chế độ BHXH.

Theo Chinhphu.vn