Lộ trình điều chỉnh lương hưu tăng dần

Từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Lộ trình điều chỉnh lương hưu tăng dần

Đây là lộ trình điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng được UBTVQH ủng hộ liên quan dự án luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chiều 10/9.

Có ý kiến ĐBQH chưa tán thành việc điều chỉnh mức lương hưu hàng tháng như dự thảo Chính phủ trình khi tuổi nghỉ hưu của người lao động thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi này là cần thiết để khắc phục tình trạng mất cân đối trong đóng –hưởng BHXH.

Theo đó, có 2 phương án được đề xuất. Phương án 1 điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Phương án 2 tán thành với ý kiến của Chính phủ, theo đó, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa 75%.

UBTVQH tán thành với phương án 1 dù cho rằng, cả 2 phương án đều hướng tới mục tiêu bảo đảm việc cân đối đóng – hưởng BHXH.

"Trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động thì cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ. Việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình thu BHXH để đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước đó" - theo UBTVQH.

Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải bảo đảm bình đẳng giới khi điều chỉnh chính sách này.

Đồng thời, cần có lộ trình nâng số năm đóng BHXH của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu (cụ thể như sau: năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 18 năm; năm 2021 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm).

UBTVQH cho rằng, việc thực hiện lộ trình này sẽ tạo điều kiện để lao động nam có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo nguyên tắc đóng – hưởng đảm bảo mục tiêu xây dựng luật.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) tán thành lộ trình như dự thảo luật vì đã "tránh sốc" cho người nghỉ hưu sau. Ông cho rằng, trong diễn biến tiền lương không ổn định, nếu chia đều quá trình lao động thì khó, đồng lương không đủ sống. Cách tính theo dự thảo luật đúng tinh thần đóng bao nhiêu hưởng bao nhiêu là rất đúng.

Ômg cũng nhận xét ngay chính trong QH các ĐB cũng có nhận thức lệch về lương hưu khi nghĩ rằng anh nào nghỉ sớm có lợi, anh nào nghỉ muộn là thiệt, nghỉ sớm lương cao hơn. Do đó, lộ trình như dự thảo luật đảm bảo tránh thiệt cho người nghỉ hưu sau này cũng như tránh đóng bảo hiểm nhưng chưa được cân đối nguồn hưu trí.

Theo Linh Thư/Vietnamnet.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm