1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Trung tâm dịch vụ việc làm mang tới cơ hội công việc với người khuyết tật

Thanh Xuân

(Dân trí) - Dù trên cơ thể có nhiều khiếm khuyết, sức khỏe suy giảm, những người khuyết tật vẫn nỗ lực, vượt qua nghịch cảnh tìm kiếm việc làm ổn định.

Nỗ lực tìm kiếm việc làm

Anh Nguyễn Văn Minh (42 tuổi, ở xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bị mắc bệnh viêm cơ, khiến chân phải co quắp, khó khăn di chuyển. Từ khi 8 tháng tuổi, trải qua cơn sốt cao triền miên, cậu bé Minh ngày đó được gia đình đưa đi khám bệnh và được xác định mắc căn bệnh quái ác.

Dù đã điều trị, phẫu thuật, song anh Minh vẫn mang khiếm khuyết, không được như bao người bình thường khác.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cộng với sức khỏe không đảm bảo, anh Minh chỉ học hết cấp 2. Dẫu đi lại khó khăn, anh này vẫn lạc quan, cho rằng mình còn may mắn hơn nhiều người khuyết tật khác vì còn chân trái và đôi bàn tay lành lặn.

Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, anh tìm kiếm việc làm gần nhà. Được người quen giới thiệu, anh nhận làm phụ xây, tiền công 200.000 đồng/ngày.

Năm 2007, anh lập gia đình. Hiện, vợ anh là lao động tự do. Công việc hai vợ chồng bấp bênh, lại thêm khoản chi tiêu sinh hoạt, nuôi hai con trai đang tuổi học hành.  

Không việc phụ hồ vất vả, anh Minh cố gắng gượng làm. Song đến năm 2013, sức khỏe suy giảm, anh lại phải vào viện thực hiện phẫu thuật. Từ đó đến nay cứ trái nắng trở trời, chân phải của anh lại đau nhức, khó khăn trong đi lại. Dẫu vậy, anh vẫn đang tìm kiếm một công việc phù hợp hơn với tình hình sức khỏe hiện tại.

Trung tâm dịch vụ việc làm mang tới cơ hội công việc với người khuyết tật - 1

Chị Ngân đến Trung tâm dịch vụ việc làm tìm việc.

Cũng đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tìm kiếm việc làm, chị Nguyễn Thị Ngân (32 tuổi, thôn Cam Đà, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội) muốn tìm đơn vị tuyển dụng nghề may hay thủ công mỹ nghệ.

Chân phải bị thương tật, chị Ngân di chuyển khá khó khăn. Ở quê nhà, chị học nghề may và nhận sửa quần áo, đồ gia công tại nhà. Tuy nhiên, công việc không đều. Có ngày đông người sửa đồ hay thuê làm gia công nhiều chị mới kiếm được 200.000-300.000 đồng, còn có ngày không có thu nhập.

Chị kết hôn được 6 năm, nhưng hai vợ chồng chưa dám sinh con vì kinh tế gia đình chật vật. Chồng chị làm công nhân, thu nhập cũng eo hẹp. Điều kiện thực tế luôn thôi thúc chị tìm kiếm công việc ổn định, có thu nhập ổn định.

"Tôi nghĩ còn sức khỏe, có tay nghề nên không thể ngồi không. Mình phải làm việc kiếm sống, không thể trở thành gánh nặng cho gia đình", chị Ngân chia sẻ.

Anh Minh, chị Ngân là hai trong khoảng hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó có khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động tại Hà Nội tìm đến Trung tâm dịch vụ việc làm để được hỗ trợ.

Hỗ trợ gia nhập thị trường lao động

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam cho biết, để giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, Hội cũng đã tổ chức các khóa dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, thúc đẩy xúc tiến các dịch vụ thương mại, kết nối đưa sản phẩm của người khuyết tật làm ra đến với thị trường… Đồng thời tiếp tục tạo điều kiện để cộng đồng người khuyết tật hỗ trợ nhau trong học tập, làm việc, vì một xã hội hòa nhập, không rào cản và vì quyền của người khuyết tật.

"Hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật một công việc phù hợp không chỉ giúp nhóm lao động này tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội…", đó là khẳng định của ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Trung tâm dịch vụ việc làm mang tới cơ hội công việc với người khuyết tật - 2

Giới thiệu việc làm cho người khuyết tật.

Để giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ trông chờ vào các chính sách xã hội hay tình thương, ông Thành cho rằng, người lao động khuyết tật cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng để khẳng định được mình là những người "tàn mà không phế".

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, về cơ bản lực lượng lao động là người khuyết tật đều được tiếp cận thị trường lao động. Tuy nhiên, có một bộ phận người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (khoảng 1,2 đến 1,3 triệu người khuyết tật nặng) khó tiếp cận được với thị trường lao động.

Hiện nay, đang có một loạt các công cụ để hỗ trợ cho người khuyết tật. Qua đây, nhiều người khuyết tật được hỗ trợ để tự tạo giải quyết việc làm và phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới đã hỗ trợ cho người khuyết tật là lao động ở nông thôn và người khuyết tật nặng tiếp cận về dạy nghề, qua đó, giúp họ có thể tiếp cận tốt hơn thị trường lao động.