Thúc đẩy, tạo việc làm bền vững cho người khuyết tật
(Dân trí) - Nhiều năm qua, việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật luôn được Đảng và Chính phủ Việt Nam quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả.
Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Tô Đức nhấn mạnh chủ trương đó tại hội thảo "Thực trạng và giải pháp tạo việc làm đối với người khuyết tật ở Việt Nam" do Ủy ban Quốc gia Về người khuyết tật Việt Nam, Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức sáng 21/3 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Đức cho biết, hiện tại Việt Nam có khoảng 7,06 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, có 87,27% người khuyết tật sống ở nông thôn, tỉ lệ người khuyết tật sống ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo thường cao gấp 3 tỉ lệ nghèo trung bình của toàn quốc.
Số người khuyết tật còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động. Trình độ học vấn của người khuyết tật thấp. 41.01% số người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ, số có trình độ từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ chiếm 19,5%. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, 93,4% người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn, số có bằng cấp là chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 6,5%.
Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về người khuyết tật nhấn mạnh, Việt Nam là một trong số những quốc gia đã ban hành hệ thống pháp luật về người khuyết tật khá đầy đủ, khá toàn diện.
Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật từ nhiều năm qua. Ngày 5/8/2020, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, đặt ra chỉ tiêu đến năm 2030 là 300.000 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm.
Cùng với đó là hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật tại 6 vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho người khuyết tật. 100% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.
Lãnh đạo Cục Bảo trợ Xã hội nhấn mạnh, để thực hiện được chỉ tiêu dạy nghề và tạo việc làm, từ năm 2012 đến nay, mỗi năm, Chính phủ đã bố trí ngân sách khoảng gần 10 tỷ đồng để dạy nghề, tạo việc làm cho khoảng 19.000 người khuyết tật. Mức hỗ trợ dạy nghề của nhà nước cũng được điều chỉnh cao hơn (tối đa 6 triệu đồng/người/khóa).
"Bình quân mỗi năm, các trung tâm tư vấn dịch vụ việc làm hỗ trợ khoảng 20.000 lượt người khuyết tật học nghề, việc làm, tỷ lệ thành công đạt trên 50%. Nhiều người khuyết tật được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, xóa nghèo, học nghề, được tập huấn nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh", Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội nói.
Tại hội thảo, bà Majdie Hordern, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Australia tại Việt Nam chia sẻ, để bảo đảm chính sách đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn trong hỗ trợ người khuyết tật, kinh nghiệm của Australia là phải lắng nghe tiếng nói người khuyết tật trong quá trình xây dựng chính sách và hướng dẫn thực thi.
Bên cạnh đó, nhà nước đẩy mạnh thực hiện các chính sách trong khu vực kinh tế tư nhân, tạo nhiều việc làm cho người khuyết tật ở khu vực này. Đại diện Đại sứ quán Australia đồng thời lưu ý sự kết hợp giữa yếu tố giới và năng lực của người khuyết tật.
Các đại biểu khác cùng thảo luận, nêu lên những hạn chế và đưa ra đề xuất nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách đối với người khuyết tật tại Việt Nam, nhất là chính sách về tạo việc làm dành cho nhóm đối tượng này.
Kết luận hội thảo, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Tô Đức nhấn mạnh, để bảo đảm quyền có việc làm của người khuyết tật, cần chú trọng một số giải pháp trọng điểm.
Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức, khả năng tiếp cận cơ chế chính sách việc làm, sinh kế cho người khuyết tật. Bản thân người khuyết tật, gia đình người khuyết tật phải chủ động tìm kiếm thông tin, nắm rõ các quyền của mình.
Thứ hai, các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường hướng dẫn các địa phương, chú trọng công tác cấp giấy chứng nhận cho người khuyết tật làm cơ sở giải quyết chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật.
Thứ ba, để giúp người khuyết tật có cơ hội học nghề, có việc làm, phải phát huy vai trò của chính quyền địa phương và các hội bảo vệ quyền của người khuyết tật, dựa trên dữ liệu lao động cụ thể về nhu cầu học nghề, việc làm của người khuyết tật.