1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

19.000 người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được dạy nghề hàng năm

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Đó là số liệu mà Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội ghi nhận về công tác đào tạo, kết nối việc làm cho hàng chục nghìn lao động là người khuyết tật trên cả nước.

Ngày 16/4, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (TPHCM), Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình chào mừng ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4). Chương trình năm nay có chủ đề "Thể thao - Hòa nhập - Vươn lên".

Theo đó, sự kiện được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác người khuyết tật, thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao đối với người khuyết tật.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội ông Nguyễn Văn Hồi cho biết, Việt Nam hiện có trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%. Khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

19.000 người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được dạy nghề hàng năm - 1

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội ông Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại chương trình (Ảnh: Nguyễn Vy).

Đến nay, số người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đạt trên 1,1 triệu người. Các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng, 20 tỉnh, thành phố cũng thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường; thống nhất được ngôn ngữ kí hiệu và chữ nổi Brail trong toàn quốc.

"Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm đến công tác người khuyết tật. Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ đã xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật khá toàn diện, đầy đủ nhằm thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong thực hiện các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội"- Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi phát biểu.

Hàng năm có khoảng 19.000 người khuyết tật hoàn cảnh khó khăn được dạy nghề tạo việc làm. Các đơn vị cũng đã giới thiệu việc làm cho khoảng trên 20.000 lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50%, khoảng gần 40.000 người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi,…

Bên cạnh đó, các chính sách khác như miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông và vào các khu vui chơi giải trí, cũng được các địa phương thực hiện với mức miễn giảm từ 25-100% cho người khuyết tật.

19.000 người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được dạy nghề hàng năm - 2

Ban tổ chức trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước tới 6 huấn luyện viên, vận động viên thể thao người khuyết tật và trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tới 9 huấn luyện viên, vận động viên, có thành tích xuất sắc (Ảnh Nguyễn Vy).

Tại sự kiện, Ban tổ chức cũng đã phát động phong trào tập luyện thể dục, thể thao đối với người khuyết tật. Đồng thời, khai mạc giải vô địch quốc gia môn điền kinh, judo, bắn cung, quần vợt cho người khuyết tật.

Thời gian diễn ra sự kiện từ ngày 17-22/4, tại các Trung tâm thi đấu Thể dục, thể thao trên địa bàn TPHCM với sự tham gia của 500 vận động viên đến từ 18 tỉnh, TPHCM và 200 người khuyết tật của thành phố.

Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong những năm qua, hoạt động thể thao của người khuyết tật đã đóng góp không nhỏ vào bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam, với rất nhiều vận động viên là người khuyết tật đã được vinh danh trên các đấu trường thể thao khu vực và quốc tế.

19.000 người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được dạy nghề hàng năm - 3

Các lãnh đạo tham dự sự kiện cùng thực hiện hoạt động đi bộ vì người khuyết tật trên đường Nguyễn Huệ (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Việc luyện tập thể thao ngoài rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe còn là cơ hội để người khuyết tật cống hiến tài năng cho thể thao nước nhà, tự tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống", ông Hùng chia sẻ.

Rời nhà từ 5h và có mặt tại sự kiện lúc 6h, chị Võ Thị Trang (39 tuổi) háo hức theo dõi chương trình cùng anh Đoàn Sơn Thọ (47 tuổi). Chị Trang chia sẻ, cả hai sống với nhau như vợ chồng đã 8 năm nay nhưng chưa có điều kiện làm đám cưới.

19.000 người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được dạy nghề hàng năm - 4

Chị Trang và bạn đồng hành hào hức trong sự kiện chào mừng ngày người khuyết tật Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Vy).

Thời gian đầu, cả hai từ Hải Phòng vào TPHCM khá khó khăn vì không tìm được việc làm. May mắn, nhờ địa phương kết nối, cả hai đã có công việc ổn định để trang trải cuộc sống.

"Tôi thấy chương trình hôm nay rất ý nghĩa. Nhìn nhiều anh chị có hoàn cảnh giống mình và đều có điểm chung là biết vượt qua nghịch cảnh, tôi rất xúc động", chị Trang bộc bạch.