Trồng loại cây thân leo chi phí thấp, nông dân "hốt bạc"
(Dân trí) - Không mất nhiều chi phí và thời gian chăm sóc, trong khi đó năm nay được mùa, giá cả ổn định, cây dưa chuột đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân ở Nghệ An.
Những ngày này, bà con nông dân một số địa phương tại Nghệ An đang bước vào vụ thu hoạch dưa chuột để bán cho các thương lái. Năm nay thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định nên người dân rất phấn khởi.
Ông Trần Văn Độ (thôn Tiên Sơn, xã Tây Thành, huyện Yên Thành) cho biết, gia đình ông có 3 sào dưa, mỗi năm cho thu hoạch một vụ. Với giá bán 12.000-15.000 đồng/kg, mỗi vụ gia đình ông thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
"Mấy năm nay nhờ sự ổn định giá cả nên nhiều hộ dân đã tăng diện tích trồng dưa chuột. Trung bình mỗi hộ trồng 3-4 sào, nhiều là 6-7 sào. Dự kiến sang năm, gia đình tôi sẽ tăng diện tích để kiếm thêm thu nhập", ông Độ nói.
Cũng theo ông Độ, giống dưa mà người dân chọn đa số là dưa nếp, quả không quá to nhưng rất chắc, mùi thơm và được nhiều người lựa chọn. Trồng dưa chuột chi phí thấp, chỉ hết 4-5 triệu đồng/sào.
Sáng sớm, bà Thái Thị Thành (trú xóm 1, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) đã ra ruộng hái dưa chuột để kịp nhập cho thương lái. Bà cho biết, vụ đông năm nay, gia đình trồng 3 sào dưa chuột trên đất lúa. Thời tiết thuận lợi, dưa chuột được mùa, sai quả nên năng suất đạt 2-2,5 tấn/sào.
"Nếu đầu mùa giá dưa chuột dao động 12.000-15.000 đồng/kg, thì nay giá dưa có giảm, chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với giá bán trên cũng cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa", bà Thành cho biết thêm.
Không chỉ gia đình bà Thành, gia đình bà Nguyễn Thị Nhung ở xóm 1 xã Tân Sơn, huyện Đô Lương cũng chuyển 5 sào đất lúa sang trồng dưa chuột. Mỗi năm, trừ hết chi phí, bà Nhung cũng bỏ túi hàng chục triệu đồng.
"Trồng dưa chuột không mất nhiều chi phí nhưng mang lại hiệu quả cao. Đầu tháng 9 bắt đầu trồng, 45 ngày sau cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 2 tấn/sào. Lúc đó, mình chỉ cần hái, thương lái đến tận vườn thu gom. Còn nếu chịu khó vận chuyển ra chợ bán sẽ được giá cao hơn", bà Nhung nói.
Theo người dân địa phương, dưa chuột là loại hoa màu không khó trồng. Sau khi cày ải, phơi khô thân ruộng, đất sẽ được băm bằng máy và lên luống cao tránh ngập úng. Mỗi luống có rãnh rộng chừng 50-70cm để chứa nước tưới và đi lại chăm sóc cho thuận tiện... Khi cây non mọc khoảng 30-40cm phải cắm hàng cọc để cho dưa chuột quấn quanh. Nếu không có giàn, dưa sẽ cho rất ít quả và nếu có cũng thường rất bé.
Ông Trần Như Ý, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, huyện Đô Lương cho biết, toàn xã trồng hơn 6-10ha dưa chuột vụ đông, tập trung ở xóm 1. Sau khi sản xuất vụ hè thu, người dân sẽ tận dụng đất ruộng để trồng dưa chuột vụ đông.
"Trận mưa lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 4 vừa qua đã làm nhiều diện tích dưa bị hư hại. Tuy nhiên bà con đã dần phục hồi. Từ đó đến nay thời tiết thuận lợi, nên dưa chuột cho năng suất, sản lượng cao, người dân rất phấn khởi, chăm chút ruộng đồng, luân canh gối vụ tăng hiệu quả trên cùng một diện tích đất sản xuất nông nghiệp", ông Ý nói.
"Trên địa bàn huyện Đô Lương, không chỉ có Tân Sơn, mà ở nhiều xã khác, người dân đã tăng cường gối vụ thêm dưa chuột, ngô như: Xã Lưu Sơn, Hồng Sơn, Thịnh Sơn… Trước đây, nhiều gia đình không đủ ăn, giờ nhờ trồng dưa, hàng trăm hộ dân trong huyện thoát nghèo, có gia đình thu cả trăm triệu đồng mỗi năm", một lãnh đạo huyện Đô Lương cho biết thêm.