Tranh luận "nảy lửa" giữa quan điểm làm việc hết mình hay chỉ làm theo mức lương
(Dân trí) - Ngay sau khi bài viết “Làm việc tương xứng với lương 6,5 triệu đồng hay hết mình với mức đãi ngộ?” đăng trên Chuyên mục Việc làm ngày 4/5, nhiều bạn đọc đã có những ý kiến và phản biện quyết liệt về 2 dòng quan điểm trái ngược nhau. Bên cạnh đó cũng xuất hiện thêm ý kiến trung lập.
Đã làm việc nên cống hiến
Bạn đọc có nick Sanu ủng hộ quan điểm của nhân viên Tuấn: “Làm việc vì thương hiệu công ty và cả thương hiêu cá nhân”.
“Đã chấp nhận thì phải làm ra trò và đến nơi đến chốn. Đó cũng là việc rèn luyện cho mình tính tận tụy, chịu khó. Những đức tính đó giúp bạn thành công trong cuộc sống” - bạn đọc Sanu viết.
Bổ sung thêm quan điểm của mình, bạn đọc Sanu phân tích: “Giả sử một ngày nào đó bạn có một vị trí cao hơn, hay làm ở nơi nào đó có thu nhập khá hơn 6,5 triệu đồng. Những cố gắng của ngày hôm qua là nền tảng giúp bạn thích nghi công việc mới dễ dàng”.
Chia sẻ kinh nghiệm đi làm việc ở nước ngoài, bạn đọc Trung Nikko viết: “Tôi ở Nhật Bản 4 năm, đi làm ở nhiều xưởng của họ. Tuyệt nhiên không thấy chuyện lương bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Người làm thêu cống hiến và ông chủ đãi ngộ tốt…”.
Đồng quan điểm với bạn đọc Sanu, bạn đọc Thu La kịch liệt phê phán quan điểm của nhân viên Minh: “Ai cũng làm theo đúng mức lương thì sao có thể tăng năng suất được. Quan điểm cũ rồi bạn ơi!”.
Nhấn mạnh tới thương hiệu cá nhân trong công việc, bạn đọc Sỹ Lâm viết: “Quan điểm của Tuấn là đúng đắn, hãy cố gắng hết mình trong công việc. Nếu cấp quản lý không nhìn nhận thì mọi người xung quanh sẽ nhìn nhận. Thương hiệu các nhân rất quan trọng!”.
Phản ứng với quan điểm lương bao nhiêu làm bấy nhiêu, bạn đọc Quang Phú Thọ chia sẻ một dẫn chứng: “Tuần rồi, tôi đi siêu thị chọn mua áo. Gặp đúng cảnh nhân viên bán hàng đứng ngáp chả thèm đáp lời khách. Nghĩ mà bực. Làm ăn kiểu này không khá được”.
Làm theo mức trả công
Bên cạnh ý kiến chủ lưu khuyên tác giả Hoàng Nam đồng tình với quan điểm cống hiến hết mình với công việc, vẫn có một số ý kiến khác biệt với lý luận riêng.
Ủng hộ quan điểm của nhân viên Minh khi cho rằng mức lương tới đâu thì cống hiến tới đó, bạn đọc Minh Đăng đưa ra lộ trình: “Bạn cứ chọn chỗ có lương cao và sẽ phấn đấu với yêu cầu công việc. Như thế cũng là cách hoàn thiện mình, chứ đâu phải giậm chân tại chỗ để thể hiện thương hiệu cá nhân. Khi bạn làm việc ở chỗ mới với chức và lương cao, biết đâu còn được công ty cũ mời về làm lãnh đạo!”.
Bạn đọc có nick Tools: "Làm hết mình thì lại được giao nhiều việc và để người khác ngồi chơi. Lương thì vẫn thế. Quan trọng sếp phải biết nhìn nhận".
Có lẽ cũng từng trải qua tâm trạng như nhân vật trong câu chuyện, bạn đọc có nick HNM bảo vệ quan điểm cá nhân với cách hơi cực đoan: “Mấy năm trước tôi cũng nghĩ như Tuấn. Còn ai muốn cống hiến như Tuấn cứ thử 10 năm cống hiến dậm chân tại chỗ rồi hãy nói sau. Tôi vẫn tâm đắc với câu "làm việc phải đúng với lương tâm" - lương bao nhiêu thì tâm bỏ ra chừng đó”.
Bạn đọc Tuấn Nguyễn chia sẻ: “Mình cũng theo quan điểm của Tuấn trong 3 năm. Giờ mình vẫn làm ở vị trí đó và theo quan điểm của Minh (mình rất có trách nhiệm với công việc) làm thêm bên ngoài. Thực sự là mình đã rất strees trong thời gian thực hiện quan điểm của Tuấn”.
Ngắn gọn hơn, bạn đọc Lương Phương viết: Làm việc theo đúng mức lương ông chủ trả!
Có lẽ là người ít kiên nhẫn, bạn đọc Quân Trần 247 đưa ra lý do ủng hộ nhân viên Minh: “Chờ tới lúc có cái thương hiệu thì chắc em đã hết sức rồi. Thương hiệu cũng mơ hồ lắm bác a. Em ủng hộ có thực vực mới được đạo…”.
Những ý kiến trung lập bàn về cống hiến và đãi ngộ
- Bạn đọc Hoa Tuyên đưa ra 2 phương án: “Nếu anh/chị còn trẻ từ 22-30 tuổi, nên chọn nơi lương cao để phấn đấu. Vì lúc đó mình sẽ nhảy việc nhiều hơn và cũng dễ chấp nhận vấp váp. Sau 30 tuổi mới nên định hình công việc. Lúc đó, thương hiệu cá nhân sẽ cần và nên phấn đấu vì mục tiêu công việc, đam mê rõ hơn. Chúc anh/chị thành công”.
- Cũng là gợi ý 2 phương án, bạn đọc có nick Cao thủ VP viết: Nên chia làm 2 trường hợp. Nếu công ty đó biết trọng dụng nhân tài thì theo quan điểm của nhân viên Tuấn. Còn công ty ít quan tâm tới người lao động thì áp dụng quan điểm của nhân viên Minh. Không có quan điểm nào đúng hoàn toàn với mọi môi trường làm việc đâu các bạn ơi!
- Nhắc tới nhân vật thứ 4 - không có trong câu chuyện, bạn đọc Linh viết: “Nếu muốn nhân viên cống hiến hết mình với công việc, ông chủ cũng phải có chế độ đãi ngộ tốt. Ở đời cái gì cũng phải có qua có lại mới toại lòng nhau”.
- Bạn đọc Nguyễn Bình Minh đưa ra lời khuyên: Suy nghĩ này còn tùy vào sự cống hiến của bạn có được hiểu, được công nhận hay không?
Hoàng Mạnh tổng hợp