1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làm việc tương xứng với lương 6,5 triệu đồng hay hết mình với mức đãi ngộ?

(Dân trí) - Câu chuyện vô tình nghe được khiến tôi suy nghĩ về 2 thái độ làm việc của nhân viên. Một người cho rằng chỉ nên làm việc tương xứng với mức lương. Một người cho rằng làm việc thì phải hết mình vì công ty và thương hiệu cá nhân. Còn bạn, nên chọn quan điểm nào?


Làm việc theo mức đãi ngộ hay làm việc vì thương hiệu cá nhân? (ảnh minh họa)

Làm việc theo mức đãi ngộ hay làm việc vì thương hiệu cá nhân? (ảnh minh họa)

Đang giờ ngủ trưa, tôi - trưởng phòng bán hàng - tranh thủ lui vào góc phòng nằm nghỉ. Sau 10 phút, 2 nhân viên trẻ tuổi đi ăn về phòng. Họ ngồi ở đầu phòng và không biết tôi đang ở đây.

Câu chuyện của họ liên quan tới công việc. Nhân viên Tuấn than thở với nhân viên Minh về áp lực công việc và đãi ngộ còn thấp.

Dường như chạm vào “mạch ngầm”, Minh khá sôi nổi: “Bạn ơi, lương bạn hàng tháng chỉ 6,5 triệu đồng. Nếu làm cố gắng thì nhận thêm được 2 triệu tiền thưởng. Ngoài ra nếu đi công tác thì có thêm công tác phí. Các cụ đã nói: Có thực mới vực được đạo!”.

Trên cơ sở đó, Minh phân tích và khuyên Tuấn nên làm đúng với mức lương được trả. “Làm nhiều cũng chỉ có từng đó tiền lương. Chưa kể lúc này, lúc khác sếp kêu la, mắng nhiếc. Bạn cứ làm theo công việc được giao thôi. Hết giờ làm thì về ngay với gia đình hoặc ra ngoài xem có cơ hội gì làm thêm không. Đợt khuyến mãi này, khách có hỏi thêm thì mình cứ bảo là chỉ có từng đấy hàng. Họ chọn được bao nhiêu thì tùy. Bạn cần gì phải lao vào để phụ giúp. Vô ích” - Minh nói.

Nghe tới đây, tôi tỉnh ngủ hẳn và nằm chờ nghe phản ứng của Tuấn.

Im lặng sau khoảng 2-3 phút, Tuấn bộc bạch: “Đúng là mức thu nhập của tôi với bạn chỉ khoảng 8-9 triệu đồng/tháng. Công việc thì cũng chỉ như vậy. Nhưng tôi nghĩ là trong công việc nên thể hiện hết trách nhiệm. Khách hàng không biết chủng loại hàng mới hỏi. Nếu mình chỉ qua thì cũng chẳng sao. Nhưng tôi nghĩ trong khả năng cứ cố gắng hỗ trợ khách hàng tối đa”.

Giải thích của Tuấn cho thấy một điểm rõ ràng hơn: “Tôi nghĩ mình làm cho công ty là mang màu cờ sắc áo của họ. Trong khả năng thì nên cố làm tốt nhất có thể. Điều đó đứng về góc độ cá nhân cũng có lợi cho cá nhân vì tạo thói quen làm việc chăm chỉ và phản xạ với khách hàng”.

Đặc biệt, khái niệm thương hiệu cá nhân được nhân viên này nhắc tới làm tôi giật mình: “Điều tôi chú ý là mình còn làm cho thương hiệu cá nhân mình bạn ạ. Có thể mình không làm việc ở đây lâu. Nhưng khi đánh giá về thời gian làm việc, bạn luôn ngẩng cao đầu vì không ai có thể chê, thậm chí còn đánh giá cao sự cống hiến của bạn”.

Cuộc đối thoại của 2 nhân viên chuyển hướng sang chủ đề khác…

Quan điểm trái ngược về công việc của các nhân viên khiến tôi suy ngẫm. Hai người đều có những lý luận thực tế về việc làm và đãi ngộ. Nhưng quan điểm có phần trái ngược nhau quá.

Một người chủ trương làm việc tương xứng với mức đãi ngộ. Người kia thì có quan điểm làm hết sức với mức đãi ngộ.

Vậy với bạn, quan điểm nào sẽ được trọng dụng?

Hoàng Nam (Hai Bà Trưng, Hà Nội)