1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tranh cãi bản tin tuyển người biết "cảm ơn" và "xin lỗi"

Hoài Nam

(Dân trí) - Sử dụng Word tốt như Facebook, biết dùng từ "cảm ơn" và "xin lỗi"... Nhiều người muốn nộp đơn ngay nhưng cũng có người "quay lưng" khi đọc bản tin tuyển dụng "xì tin" của một doanh nghiệp.

Bản tin tuyển kế toán của một doanh nghiệp ở khu vực phía Nam do người quản lý nhân sự đăng tải được chia sẻ liên tục vì những yêu cầu đọc lên hết sức khác lạ. 

Bản tin này nêu ra một số yêu cầu như: 

Ưu tiên ứng viên nữ  vì công ty chúng tôi có nhiều nam.

Về kinh nghiệm: Chỉ cần có kiến thức cơ bản vì vào làm chúng tôi có người truyền đạt những kinh nghiệm cho bạn.

Tranh cãi bản tin tuyển người biết cảm ơn và xin lỗi - 1

Bản tin tuyển dụng tuyển người kèm tiêu chí biết dùng từ "cảm ơn" và "xin lỗi" (Ảnh minh họa).

Ngoại ngữ: Không cần thiết vì bạn chỉ làm việc với người Việt chúng ta chỉ cần sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ.

Vi tính: Sử dụng tốt vi tính văn phòng Word, Excel, Internet như Facebook, Zalo... và camera 360, BT612.

Làm việc chăm chỉ vì mục tiêu chung của công ty (không ích kỷ, vụ lợi cá nhân, gây bè kéo cánh, ghen ăn tức ở, nhiều chuyện trong công ty). 

Hòa đồng với mọi người. Biết góp ý chân thành cho đồng nghiệp và sếp.

Đặc biệt, bản tin này nhấn mạnh cần tìm người biết sử dụng từ "Cảm ơn" và "Xin lỗi" khi cần thiết. 

Trên nhiều diễn đàn, bản tin này cũng kéo theo tranh cãi của những người quan tâm đến lĩnh vực nhân sự

Có người... quay lưng tức thì. Họ đưa ra quan điểm, đọc bản tin là thấy HR (bộ phận nhân sự) kiểu trẻ con mới ra trường. Còn công ty chuyên nghiệp sẽ không có nội dung kiểu nhí nhố như thế này. 

"Tôi thích sự chuyên nghiệp của công ty, ngay từ cách thể hiện trong từng bản tin tuyển dụng từ phía công ty. Đọc bản tin này, tôi bỏ qua liền!".

Cũng có người cho rằng, các tiêu chí về cách ứng xử này kia không nên đưa vào thông tin tuyển dụng vì thuộc về cá nhân. Hơn nữa, ban đầu tuyển dụng cũng không có cơ sở để có thể đánh giá. 

Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, có vẻ đông đảo hơn, nhiều ứng viên và cả những người đang đi làm vô cùng thích thú, muốn nộp đơn ngay khi đọc bản tin tuyển dụng này. Có người hài hước chia sẻ, đã chuyển ngành kế toán từ lâu, nay đọc xong là muốn nộp đơn liền.

"Điều này tùy quy định, văn hóa và độ "teen" của người quản lý. Nội dung yêu cầu dễ hiểu, lọc được ứng viên từ đầu theo tiêu chí của nhà tuyển dụng. Content theo phong cách này tạo ra được sự khác biệt, thu hút được ứng viên trẻ!", chị Lê Hồng Đào, làm trong lĩnh vực nhân sự ở quận 1, TPHCM bộc bạch.

Tiêu chí đời thường: Không dễ tìm! 

Chị Lê Hồng Đào phân tích, bản tin tuyển dụng trên cũng đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm về trình độ và cả thái độ lực lượng lao động hiện nay. 

Bản tin nêu ra những yêu cầu trong ứng xử thông thường như "cảm ơn", "xin lỗi"; hòa đồng, biết góp ý, làm việc vì mục tiêu chung, không nhiều chuyện; biết sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ... Rồi đến những chuyên môn cơ bản như sử dụng tốt vi tính văn phòng Word, Excel, Internet như Facebook, Zalo.

Mọi thứ nghe đơn giản nhưng thực tế không dễ tìm ứng viên có thể đáp ứng nổi. Không ít ứng viên hồ sơ sáng giá như bằng giỏi, chứng chỉ này kia, tiếng Anh như gió nhưng chưa chắc đã đáp ứng nổi các tiêu chí cơ bản đời thường.

Tranh cãi bản tin tuyển người biết cảm ơn và xin lỗi - 2

Cách ứng xử văn hóa, thái độ cầu thị là yêu cầu quan trọng trong môi trường công sở (Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: Internet ).

"Nhiều ứng viên dùng tiếng Việt kiểu tắt, kiểu teen đọc không nổi, câu cú lủng củng. Có người đầy kỹ xảo, chăm chút cho Facebook, Tik Tok, các phần mềm selfie nhưng kỹ năng chuyên môn trong nghề như Word, Excel lại ẩu và sơ sài", chị Đào kể.

Những lời "cảm ơn" và "xin lỗi" một cách chân thành, thiện chí trong giao tiếp ở theo chị Đào càng kham hiếm trong môi trường công sở.

Anh Hoàng Đạt Thành, phó giám đốc công ty chuyên về phân phối thiết bị điện tử ở Phú Nhuận, TPHCM cho rằng, mỗi công ty, lãnh đạo có những tiêu chí riêng trong tuyển dụng tùy vào văn hóa, giá trị và quan điểm của họ.

Như bản thân anh, tiêu chí anh coi trọng nhất khi tuyển người đúng giờ giấc. Nghe tưởng đơn giản nhưng không hề dễ tìm khi văn hóa trễ giờ ăn sâu trong rất nhiều người, họ cho trễ là chuyện bình thường.

 Anh Hoàng Đạt Thành nhấn mạnh lao động Việt ngoài chuyên môn, kỹ năng, đã đến lúc chúng ta cần thật sự chú tâm đến cách ứng xử, giao tiếp, thái độ làm việc một cách nghiêm túc, có văn hóa, cầu thị.