1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

CV "siêu khủng", hóa ra là hàng... "chôm" mạng!

Hoài Nam

(Dân trí) - Lấy thông tin, câu chữ, sản phẩm của người khác đưa vào hồ sơ xin việc của mình, không ít trường hợp, ứng viên vẫn "qua mặt" được nhà tuyển dụng.

Hồ sơ hoành tráng, hỏi một từ đã như "gà mắc tóc"

Trong chương trình "tuyệt chiêu viết hồ sơ xin việc (CV)" mới đây, chị Võ Minh Trang, phụ trách phát triển nhân lực một công ty dược phẩm tại TPHCM nhắc đến trường hợp ứng viên nộp CV vào vị trí sale mà chị tiếp nhận. Bản CV viết bằng tiếng Anh cực kỳ ấn tượng. 

"Đến khi gặp phỏng vấn, tôi có cảm giác không phải bạn tự viết CV. Tôi vừa mới hỏi từ này trong CV của em ý nghĩa là gì, bạn này gãi đầu gãi tai rồi thú nhận: "Thật ra cái này người khác viết giùm em", chị Minh Trang kể lại. 

CV siêu khủng, hóa ra là hàng... chôm mạng! - 1

Nhiều ứng viên CV "khủng" nhưng toàn hàng đi mượn (Ảnh minh họa).

Theo chị Trang, nhiều ứng viên muốn viết CV bằng tiếng Anh để tạo ưu thế trong tuyển dụng nhưng đây là điều cần hết sức lưu ý. Cần xem năng lực của mình viết nổi không hoặc ít nhất phải chắc chắn mình hiểu nội dung thể hiện trong CV. Còn không, chỉ cần nhà tuyển dụng vặn lại đôi câu là lộ ra ngay và khi đó, chiêu "làm màu" láu cá này là điểm trừ rất lớn. 

Anh Nguyễn Văn Lâm, quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực nội thất ở Quận 1 TPHCM kể, anh từng phỏng vấn một số sinh viên mới ra trường mà nhìn vào CV như có kinh nghiệm 3 - 5 năm, có sản phẩm kèm theo, thuyết trình rất thuyết phục. 

Nhưng khi làm bài test nhẹ về chuyên môn thì như "gà mắc tóc". Có bạn thú nhận em lấy chỗ này chỗ kia, nhưng có bạn lấy lý do: "Hôm nay em không có cảm hứng sáng tạo".

Anh Nguyễn Văn Lâm chia sẻ, trường hợp ứng viên "chôm" thông tin của người khác đưa vào CV có thể xem là một vấn nạn hiện nay, phổ biến trong nghề thiết kế, sáng tạo - lĩnh vực vốn cần sự sáng tạo nhiều nhất. 

Theo người này, với sinh viên vừa ra trường, chưa có sản phẩm, họ thường trình bày đồ án tốt nghiệp. Tuy nhiên, mới ra trường thì xác suất trúng tuyển không cao ở các vị trí như Senior (kinh nghiệm dày dặn) và cả Unior (có chút ít kinh nghiệm), đa phần chỉ vào vị trí thực tập sinh. 

Nhiều ứng viên chưa có gì trong tay, không muốn khổ luyện nhưng muốn leo nhanh, leo cao, lên lương. Chưa kể, một số người muốn "lên mặt" với bạn bè,  chôm chỉa thành quả lao động của người khác.  

Ứng viên chỉ cần lên google hoặc ghé vài diễn đàn thiết kế, chọn cái nào đó kèm vào CV, khi đi phỏng vấn lôi ra nói như thể đó là của mình. Có người che đậy khôn hơn thì khoe mình "có đóng góp" cho dự án đó. 

Bịt "lỗ hổng" trong tuyển dụng 

Anh Nguyễn Văn Lâm phân tích, nhà tuyển dụng tinh ý sẽ không chỉ nhìn vào CV, họ biết rõ nhiều ứng viên khoe "hàng khủng" nhưng đi vay mượn, "chôm" mạng đưa vào. 

Tuy nhiên, thực tế không ít người qua mặt được nhà tuyển dụng. "Lười làm thì hay nói", ứng viên nào có thêm tài... "chém gió" nữa là nhà tuyển dụng dính chiêu liền.

CV siêu khủng, hóa ra là hàng... chôm mạng! - 2

Copy & Paste của người khác thành của mình, nhiều người cho là chuyện điều bình thường, nhiều người đã quen từ thời đi học (Ảnh minh họa).

Anh Lâm cho rằng, ở nhiều công ty, bộ phận chuyên môn bận rộn không tham gia tuyển dụng, đánh giá CV, phỏng vấn mà giao hết cho bộ phận nhân sự.  Bộ phận nhân sự không nắm chuyên môn, không dễ "nắm được thóp" ứng viên tinh vi. Chưa kể, phòng hành chính nhân sự có khi bị áp lực chỉ tiêu, KPI nên cứ tuyển đã, mọi sự tính sau. 

Vậy nên, đối với nhân viên mới, các nhà quản lý nhấn mạnh, thời gian thử việc rất quan trọng. Nhiều ứng viên "nổ"... banh trời nhưng không qua nổi giai đoạn thử việc.