1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

"Không thở nổi" khi đi làm lại, nữ nhân viên bỏ việc lương trên 20 triệu

Hoài Nam

(Dân trí) - Sau 3 tuần đi làm trở lại trong gắng gượng, mệt mỏi, Thủy quyết định bỏ công việc lương trên 20 triệu đồng/tháng, chưa kể lương thưởng, trong cái lắc đầu không hiểu nổi của người xung quanh.

Những ngày đầu trở lại công sở sau nhiều tháng làm việc tại nhà, mọi người vui mừng, hỏi han nhau nhưng với Hoàng Lệ Thủy, 29 tuổi, nhân viên văn phòng một công ty công nghệ ở quận 3, TPHCM lại trở nên vô cùng nặng nề. 

Bước vào văn phòng, Thủy thở không nổi, tim đập, chân run. Những lời nhận xét bình thường của mọi người về Thủy như "nhìn đầy đặn hơn", ít nói chuyện hơn, hay lời nhắc nhở từ sếp... cũng làm cô căng thẳng cả ngày.  

Không thở nổi khi đi làm lại, nữ nhân viên bỏ việc lương trên 20 triệu  - 1

Sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, nhiều người lao động không thích nghi được với tình trạng bình thường mới (Ảnh minh họa).

Thủy làm việc không tập trung, liên tục ngồi nhìn đồng hồ mong hết giờ để về nhà. Về nhà, cô thức làm cho xong việc, đêm đến không ngủ được và cũng không muốn ngủ vì sợ ngày mai phải đi làm. 

Gắng gượng được hơn 3 tuần, thấy có thể đi làm đúng chỉ còn vì lương, mới đây Thủy bất ngờ gửi đơn nghỉ việc. Cô xin nghỉ ngay, chấp nhận bỏ nửa tháng lương và KPI tháng trước chưa nhận. Nhiều người té ngửa không hiểu nổi khi có thể bỏ việc thu nhập cao trong tình hình việc làm khó khăn. 

Nữ nhân viên làm việc tại đây gần 3 năm với chế độ đãi ngộ tốt, thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng, chưa kể lương thưởng. 

Có một vấn đề cá nhân Thủy rất khó chia sẻ: Cô bị rối loạn lo âu từ lâu. Đi làm với cô lâu nay vốn đã rất khó khăn, thêm ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tình trạng của cô càng nặng. 

Thủy gắng gượng làm việc tại nhà trong thời gian qua, gắng đi làm trở lại nhưng chỉ cố được vài hôm, cô gái trẻ đầu hàng. 

"Tôi cần sắp xếp lại mọi thứ cho cuộc sống, các mối quan hệ, sức khỏe của mình, không thể chỉ vùi đầu trong công việc một cách mệt mỏi, suy kiệt như thế này", Thủy bộc bạch và cho biết ý định mình sẽ đi khám bệnh rồi sau đó có thể tìm một công việc gần nhà, môi trường làm việc nhẹ nhàng hơn. 

4 tháng giam trong phòng, bị "sốc" khi đi làm trở lại 

Đi làm trở lại, Nguyễn Thu Hằng, 24 tuổi, nhân viên kế toán tại doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở quận 1, TPHCM rơi vào tình trạng sợ "tái hòa nhập" sau dịch. Hằng bị ngợp, lúng túng khi vào văn phòng, quên cả chào hỏi tối thiểu với mọi người. Sau nghĩ lại, cô tự trách bản thân. 

Hằng thuê trọ ở Gò Vấp, nơi cao điểm từ đợt đầu đợt dịch. Gần 4 tháng liền, cô giam mình trong phòng trọ chật chội, ẩm thấp gần như không hề tiếp xúc hay nói chuyện với ai. Thực phẩm có đồ cứu trợ hoặc đặt mua online, tất cả đều được đưa đến đặt trước cửa phòng trọ. 

Không thở nổi khi đi làm lại, nữ nhân viên bỏ việc lương trên 20 triệu  - 2

Nhiều tháng giam mình phòng trọ, nữ nhân viên bị "sốc" khi đi làm trở lại (Ảnh minh họa).

"Nhiều tháng trời, tôi chỉ ra ngoài khi đi test Covid-19, không có một sự tương tác nào. Cuộc sống cực kỳ ngột ngạt, căng thẳng, tâm trạng lúc nào cũng nhấp nhổm, bất an. Mình thường xuyên không ngủ được, mệt mỏi kéo dài, sức khỏe của mình giảm sút thấy rõ", Nguyễn Thu Hằng kể. 

Những tưởng, khi đi hết giãn cách, được đi làm trở lại sẽ như "chim sổ lồng" nhưng thực tế khác hẳn. Hằng vô cùng khó khăn để thích nghi với môi trường đi làm trở lại, cô hay khóc, chán ăn, giảm đến 5 kg, ốm tong teo, tóc rụng nhiều... 

Hằng cũng nghĩ đến phương án nghỉ việc để "giải cứu" mình nhưng bố mẹ không hiểu, gây áp lực nên cô vẫn "lết" đi làm trong sự rã rời, mệt mỏi.

Theo nghiên cứu "Sức bật tinh thần và các triệu chứng cơ thể của người Việt trong đại dịch Covid-19" vào tháng 8, của Trường ĐH KHXH&NV TPHCM với 1.300 người tham gia khảo sát thì có đến gần 500 người cần tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong dịch Covid-19, chiếm tỷ lệ 40%.

Trong thời gian giãn cách xã hội, họ rơi tình trạng cảm thấy lo âu, trầm buồn, căng thẳng/stress, buồn chán, bứt rứt trong người, cáu gắt, mất hứng thú, mất động lực, khó tập trung, đau đầu, mất ngủ… và có nhu cầu được hỗ trợ tâm lý rất cao.

Lo lắng vì dịch bệnh, mất người thân, giãn cách xã hội, giam mình trong phòng, thiếu vận động, thay đổi sinh hoạt...  ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần mọi lứa tuổi, trong đó nhóm lao động trụ cột chịu tác động lớn.

Theo các chuyên gia, ở độ tuổi lao động, không ít người sau thời gian dài giãn cách xã hội hoặc đối mặt mất mát, sang chấn họ có thể sợ đi làm, sợ cuộc sống bình thường mới. Nhất là thời gian trong đại dịch, họ khó tiếp cận các kênh hỗ trợ về tâm lý dẫn đến tình trạng trầm trọng với hệ lụy về lâu dài.