Trắng đêm đổ hàng nghìn tổ bánh cúng tiễn ông Công, ông Táo

Ngô Linh

(Dân trí) - Bánh tổ là món không thể thiếu trong mâm lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo chầu trời hàng năm của người dân Quảng Nam, Đà Nẵng mỗi dịp 23 tháng Chạp âm lịch.

Tất bật ngày cuối năm

Người ta hay ví von chiếc bánh tổ nhìn như một tổ chim, vì bánh được đổ trong khuôn tre đan hình tròn, bên trong lót 2 lớp lá chuối, thường gọi tên là bánh tổ. Đây là sản vật đặc biệt ngày Tết của người dân xứ Quảng.

Trắng đêm đổ hàng nghìn tổ bánh cúng tiễn ông Công, ông Táo - 1

Người ta hay ví von chiếc bánh tổ nhìn như một tổ chim, vì bánh được đổ trong khuôn tre đan hình tròn.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, đến làng nghề làm bánh tổ thuộc khu Phước Mỹ (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam), thợ nào cũng đang thoăn thoắt đôi tay gói, thổi lửa nấu bánh tổ.

Bà Phạm Thị Thanh Vân (54 tuổi) cho hay bánh tổ trước đây chỉ nấu phục vụ các hộ trong làng dịp Tết. Dần dần, nhiều tỉnh, thành biết đến đặc sản bánh tổ Quảng Nam nên đặt mua, nhất là người Quảng xa quê hương.

Trắng đêm đổ hàng nghìn tổ bánh cúng tiễn ông Công, ông Táo - 2

Cơ sở của bà Phạm Thị Thanh Vân cung ứng hơn 5.000 tổ bánh vào dịp tiễn ông Công, ông Táo.

Cơ sở của bà Vân làm bánh thường xuyên, đến dịp cận Tết thì nhu cầu thị trường tăng mạnh, phải hoạt động hết công suất. Các đơn hàng đặc biệt tăng cao từ ngày 19 tháng Chạp âm lịch đến tận chiều 30 Tết, thợ làm bánh phải tăng ca thâu đêm suốt đợt này để kịp phục vụ.

"Mỗi ngày cơ sở sản xuất hơn 1.500 tổ bánh, riêng dịp cúng ông Công, ông Táo dự tính cung ứng hơn 5.000 tổ bánh. Giá bán sỉ là 18.000 đồng/tổ bánh. Từ đầu tháng Chạp, rất đông người đã tìm đến đặt hàng", bà Vân chia sẻ.

Làng nghề trắng đêm đổ hàng nghìn tổ bánh tiễn ông Công, ông Táo (Video: Ngô Linh).

Để đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết, ngoài huy động các thành viên gia đình, cơ sở của bà Phạm Thị Thanh Vân còn thuê thêm 7 lao động, tiền công 300.000-500.000 đồng/người/ngày tùy vị trí làm việc.

Gợi nhắc Tết đoàn viên

Muốn làm ra được chiếc bánh vừa dai, vừa dẻo, lại có độ ngọt thanh, người làm bánh phải cần có kinh nghiệm trong việc chọn nguyên liệu. Nếp phải trắng tinh, hạt tròn mẩy, dẻo và thơm. Đường phải là loại đường bát nấu từ đường mía theo phương pháp cổ truyền của người Quảng Nam.

Trắng đêm đổ hàng nghìn tổ bánh cúng tiễn ông Công, ông Táo - 3

Bột bánh sau khi đánh xong được đổ vào trong tổ chuẩn bị hấp. Khâu này, người thợ cân bánh để đảm bảo đồng đều.

"Bước quan trọng nhất là chọn đường đem đi "thắng" cho thật kỹ, loại bỏ hết tạp chất và thêm ít gừng tươi cho thêm hương vị. Đường thắng sau đó được trộn với bột vừa xay nhuyễn để tạo thành thứ hỗn hợp sền sệt, có màu vàng nhạt. Màu vàng dậy lên là nhờ màu đặc trưng của đường bát", bà Vân bật mí.

Các khuôn bánh sau đó được đặt lên một tấm vỉ sắt. Cứ 12 bánh xếp thành một vỉa. Người thợ lần lượt xếp từng vỉ vào nồi hấp. Bánh tổ được hấp liên tục trong 5 giờ thì chín, bỏ ra để nguội. Bánh vừa vớt ra, người thợ sẽ rắc thêm chút mè trắng lên mặt, để nguội cho đến khi bánh khô lại là dùng được.

Trắng đêm đổ hàng nghìn tổ bánh cúng tiễn ông Công, ông Táo - 4

Bánh được hấp khoảng 5 tiếng đồng hồ cho chín.

Nếu để càng lâu thì độ dẻo ngọt của bánh tổ càng đậm đà hơn, đặc biệt khi đem bánh phơi nắng hoặc bảo quản trong tủ lạnh, thời hạn sử dụng có thể dài hơn.

Hiện nay, ở Quảng Nam, số người theo nghề làm bánh tổ còn không nhiều vì bánh chỉ được làm vào dịp Tết, mang tính thời vụ, thợ bánh khó sống và gắn bó được với nghề này.

Bên cạnh đó, tiền lãi thu được từ những chiếc bánh khá ít nên số người làm bánh tổ ở xứ Quảng hiện nay dường như chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Trắng đêm đổ hàng nghìn tổ bánh cúng tiễn ông Công, ông Táo - 5

Bánh nóng hổi vừa ra lò được rắc một chút mè trắng.

Nhiều người vẫn thường nói, bánh tổ là thứ bánh để nhắc nhở nhau nhớ về nguồn cội "chim có tổ, người có tông", về những ngày Tết đoàn viên, sum vầy.

Hiện nay, có nhiều loại bánh ngon, giá rẻ nhưng vào ngày Tết, trong các thứ bánh trái đặt lên bàn thờ tổ tiên của người Quảng Nam vẫn không thể thiếu món bánh tổ.