Kiếm hàng trăm triệu đồng ngày cận Tết nhờ làm linh vật may mắn, phát tài
(Dân trí) - Gần Tết, hàng chục nhân công tại xưởng sản xuất lân, rồng của anh Bành Chí Hùng đang tất bật, không ngơi tay cả ngày lẫn đêm, thu nhập vài trăm triệu đồng.
Mùa Tết "bội thu"
Hơn 14h, 10 thanh niên tại xưởng lân Thuận Anh Hãng (quận Bình Tân, TPHCM) mắt nhắm mắt mở, cố gắng tập trung hoàn thành các khâu cuối cùng trong việc sản xuất đầu lân, rồng, phục vụ cho dịp Tết Quý Mão 2023.
Thỉnh thoảng, có người lén chợp mắt 5-10 phút lấy lại tỉnh táo, có người vội vã xới cơm ăn để lấy sức làm tiếp. Đêm qua, hầu hết nhân công tại xưởng đều thức đến sáng vì đơn hàng quá nhiều.
Theo anh Bành Chí Hùng (39 tuổi, chủ xưởng), các đơn hàng được đặt ngay sau Tết Nguyên đán 2022. Mặc dù xưởng đã chuẩn bị dần từ đầu năm ngoái, đến nay vẫn phải hối hả vì có thêm nhiều đơn hàng lẻ đặt muộn. Cao điểm nhất là thời gian sau Tết Trung thu, rơi vào khoảng tháng 9. Lúc đó, cả xưởng gần như thức trắng đêm vì đơn hàng trong và ngoài nước dồn dập.
Tết Nguyên đán 2022, vì dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, đa số đội lân chỉ dùng lại những đầu lân cũ, không đặt cái mới nên xưởng không có đơn hàng nào. Nhưng sau đó, chỉ ít ngày đầu năm 2023, đơn hàng đầu lân, rồng đã tăng rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, do nhu cầu mua sắm sau dịch bệnh của các đoàn lân, sư, rồng.
Theo anh Hùng, năm nay giá nguyên vật liệu tăng khoảng 10%, nhưng xưởng quyết định không tăng giá bán để giữ chân khách. Nguyên vật liệu được anh Hùng ưu tiên dùng hàng Việt, do các mối quen hàng chục năm qua cung cấp. Riêng phần lông cừu loại 1 phải đặt mua ở nước ngoài, với giá hơn 1,2 triệu đồng/con.
Trung bình, mỗi sản phẩm được bán ra với giá từ 5 triệu đến hơn 7 triệu đồng/đầu lân, tùy vào kích thước, loại hình (Phật Sơn, Phật Hạc và Hạc Sơn). Anh Hùng cho hay, tính đến tháng 1/2023, xưởng đã bán được gần 140 sản phẩm phục vụ Tết Quý Mão 2023, dự kiến con số sẽ tăng cho đến ngày 29 âm lịch. Các đơn hàng chủ yếu đến từ các tỉnh, thành nội địa và các nước như Mỹ, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Campuchia,...
Biểu diễn múa lân thường nghiêng về văn hóa, thị hiếu của người Hoa. Vậy nên, anh Hùng đã cho phát triển mẫu lân hình con thỏ - linh vật Tết Nguyên đán 2023 của người Hoa, mang ý nghĩa tượng trưng cho sự nhạy cảm, thận trọng, hòa bình và giàu có.
Giữ nghề truyền thống
Trước khi đứng ra mở xưởng, anh Hùng từng đi học nghề và gắn bó với công việc này hơn 20 năm. Xưởng hiện có 20 nhân công, thay phiên nhau chia ca làm việc, có người còn đem lân về nhà để hoàn thành kịp tiến độ.
Được biết, khung lân được tạo từ gỗ mây và tre nhập ở Đồng Nai. Để tạo ra một bộ khung lân hoàn chỉnh phải mất từ 1-3 ngày tùy vào độ phức tạp. Khó nhất của công đoạn này là lúc uốn tạo các đường cong làm sao để không bị gãy, tạo ra sự chắc chắn và độ chính xác cao nhất. Sau khi hoàn thành xong bộ khung, người thợ dán từng miếng vải màn, giấy xuyến lên đầu lân đã được định hình sẵn bằng hồ và keo. Đầu lân sẽ được kiểm tra, tô lại phần giấy dán rồi đem phơi nắng khoảng 1 ngày.
Tiếp đến là công đoạn vẽ đầu lân. Vẽ đầu lân là giai đoạn quyết định thần thái của con lân. Quan trọng nhất là vẽ phần mắt lân, bởi nó có thể thể hiện được sự buồn, vui của con lân.
Những hình vẽ thường do các nghệ nhân có tay nghề nhiều năm thực hiện, thường là các hình vẽ về lửa, hoa văn... Trên mỗi con lân thường có từ 4-7 màu như cam, xanh, vàng, đỏ...
"Vẽ đầu lân phải có một chút hoa tay cùng với chịu khó học hỏi và luyện tập. Tôi mất khoảng 3 ngày mới vẽ xong một đầu lân, nhiều khi khách yêu cầu đầu lân tinh xảo thì tốn thời gian hơn nữa", anh Hùng nói.
Sau khi đầu lân đã cơ bản hoàn thiện, một người thợ khác phụ trách công đoạn tân trang, dán lông, lắp mắt lân. Thợ vẽ xong chuyển đầu lân cho thợ dán lông, làm râu bằng lông cừu và căn chỉnh mắt để hoàn thiện.
Phía trong nhà, chị Lý Ngọc Oanh (36 tuổi, vợ anh Hùng) đảm nhận công việc may đuôi lân, quần áo, cờ, lọng... cho các đoàn lân sư rồng. Theo chị Oanh, cầu kỳ nhất là may đuôi lân, thường bằng vải kim sa rồi gắn lông, đính kim tuyến... để trang trí.
Chị Oanh chia sẻ, nhiều đêm quên ăn, quên ngủ để làm việc, chị không tránh khỏi một số lúc bực dọc, khó chịu.
"Trừ năm dịch bệnh thì Tết năm nào cũng vậy. Cứ đến Tết là đơn hàng ồ ạt đến, chúng tôi làm không ngơi tay. Mặc dù nhiều lúc bản thân thiếu ngủ, hơi cọc cằn nhưng cũng thấy vui vì còn làm ăn được", chị Thảo cười, nói.
Khác với mọi năm, do Tết Quý Mão 2023 có lượng đơn hàng quá nhiều, các nhân công tại xưởng thay vì một người nắm một công đoạn, thì giờ đây bất kỳ nhân công nào cũng phải nắm rõ tất cả công đoạn. Khi một người thợ dừng tay nghỉ ngơi, người thợ khác có thể vào thay thế công đoạn đang làm dở để không làm gián đoạn quy trình sản xuất.
Công việc kinh doanh khấm khá ở xưởng cũng giúp các nhân công có thu nhập ổn định hơn. Thợ làm việc tại đây được trả theo sản phẩm, từ 100.000 - 120.000 đồng/công đoạn/đầu lân. Trung bình, người thợ làm lâu năm có thể kiếm 400.000-500.000 đồng/ngày.
Anh Trần Thanh Phong (33 tuổi) là một trong những người làm việc ở xưởng lâu nhất. Năm 6 tuổi, anh Phong đã tiếp xúc với nghệ thuật múa lân qua những người bạn gần nhà. Dần về sau, càng đam mê môn nghệ thuật này nên anh đã xin theo nhiều đoàn múa trên địa bàn TPHCM để học hỏi.
"Trải qua nhiều năm, tôi thành nghề lúc nào cũng không biết. Lúc đầu, gia đình có phản đối vì muốn tôi có công việc ổn định hơn. Nhưng sau khi thấy nghề này tạo ra thu nhập, lại lưu giữ truyền thống dân tộc nên cả nhà cũng dần ủng hộ", anh Phong nói.
Không chỉ tạo ra thu nhập từ làm đầu lân, anh Phong còn kiếm được tiền nhờ những lần đi biểu diễn, thi đấu. Gần đây nhất, anh và đồng đội đã có được huy chương tại Đại học thể thao toàn quốc lần thứ IX - 2022, tổ chức ở Quảng Ninh.