1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

TPHCM: Số lao động xin trợ cấp thất nghiệp tăng 27%

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Trong 10 tháng đầu năm 2022, toàn TPHCM có hơn 128.000 lao động mất việc, đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chiều 10/11, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TPHCM, thông tin chi tiết về tình hình lao động việc làm cuối năm trên địa bàn thành phố.

TPHCM: Số lao động xin trợ cấp thất nghiệp tăng 27% - 1

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM thông tin tại buổi họp báo (Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM).

Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, qua thống kê trên toàn thành phố, tính đến tháng 10/2022, số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là gần 249.000 với tổng số lao động đang làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) là hơn 2.496.000 người, tăng 345.660 người so với cùng kỳ năm 2021. Trong những tháng cuối năm, dự kiến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm 43.000 lao động dịp lễ, Tết.

Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động thì cũng có một số doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, phải cắt giảm lao động. Theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố có hơn 128.000 người mất việc, đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ.

Trong tháng 11, 2 công ty thông báo cắt giảm số lượng lao động lớn nhất là Công ty Việt Nam Samho ở Củ Chi, Công ty TNHH Tỷ Hùng ở Bình Tân... Nguyên nhân cắt giảm lao động đều là thiếu đơn hàng để duy trì hoạt động sản xuất.

Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp giảm đơn hàng, buộc phải thực hiện sắp xếp lại thời gian làm việc như: không có tăng ca, cho công nhân nghỉ thêm ngày thứ bảy… Các doanh nghiệp tìm mọi cách để giữ chân người lao động để có đủ nguồn lực làm việc khi có đơn hàng mới.

TPHCM: Số lao động xin trợ cấp thất nghiệp tăng 27% - 2

Bị mất việc vào thời điểm cuối năm, nhiều công nhân rơi vào cảnh khó khăn (Ảnh minh họa: L.T.).

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm và các phòng nghiệp vụ phối hợp với các Phòng LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động làm việc trực tiếp với chủ doanh nghiệp, công đoàn cơ sở để nghe ý kiến của doanh nghiệp, công đoàn tại các công ty có khó khăn sản xuất.

Qua làm việc, một số doanh nghiệp rơi vào tình thế phải cắt giảm lao động cam kết sẽ cố gắng duy trì cho những lao động làm việc chưa đủ 12 tháng tiếp tục làm việc và đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng, để họ có đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp, có thêm khoản hỗ trợ lúc khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Lâm cho hay, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã chỉ đạo 21 Phòng LĐ-TB&XH nắm bắt tình hình các doanh nghiệp ở trên địa bàn, phối hợp với BHXH TPHCM rà soát lại các doanh nghiệp còn nợ đọng BHXH và có khả năng gián đoạn đơn hàng để có kế hoạch xử lý kịp thời, hạn chế tình trạng người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cũng chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối người lao động mất việc với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, Liên đoàn Lao động TP để huy động các nguồn lực xã hội chăm lo cho người lao động khi bị nghỉ việc...