Tinh giản biên chế do về hưu sớm: Chuyện cũ buồn
Cách đặt vấn đề, đặt mục tiêu tinh giảm chưa phù hợp nên giảm không đúng người, càng giảm càng tăng.
Không lạ
Đánh giá của Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 39, tổng biên chế cả nước không giảm còn tăng lên hơn 11.000 người. Đáng chú ý, tinh giản biên chế chủ yếu áp dụng đối với đối tượng nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 86,25%) chứ chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm.
Đánh giá về thực tế trên, PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, đây là thực tế không mới và được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều năm gần đây.
Theo vị PGS, ngay từ việc đặt vấn đề là tinh giảm biên chế đã không chuẩn xác, bởi trong số cán bộ, nhân viên ăn lương nhà nước thì không chỉ có công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước mới thuộc diện tinh giảm biên chế. Trong khi đó, ở những tổ chức đơn vị sự nghiệp tỉ lệ người ăn lương từ ngân sách lại tăng theo nhu cầu phát triển.
Ông lấy ví dụ trong lĩnh vực giáo dục, số giáo viên sẽ tăng theo số học sinh. Nếu một lớp 40 học sinh thì cần có 1 giáo viên đứng lớp nhưng mỗi năm dân số tăng lên, số lớp học nhiều hơn thì giáo viên cũng tăng lên cao hơn.
Vì thế, vị PGS cho rằng, đặt chỉ tiêu cho các đơn vị phải tinh giản biên chế 10% một năm là một cách cơ học, máy móc, chưa chú ý cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, tinh giản chỉ nhằm giảm gánh nặng ngân sách chứ chưa cân nhắc cẩn trọng vị trí, vai trò và tầm quan trọng của mỗi loại hình tổ chức trong hệ thống chính trị nước ta.
Do đó, ông nhấn mạnh, tinh giảm biên chế phải gắn với vị trí việc làm.
"Phải xác định rõ từng vị trí việc làm, tại mỗi vị trí đó cần bao nhiêu nhân sự? Mỗi nhân sự đảm nhận những công việc gì?
Chỉ khi xác định biên chế theo vị trí việc làm thì mới tạo ra năng suất lao động cao, từ 3 người làm một việc, nay có thể chỉ cần 1 người vẫn làm được cả 3 việc. Ở đây chính là chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức phải được tinh gọn, chất lượng phải được nâng lên thì tinh giảm mới hiệu quả", PGS Mạc Văn Tiến chỉ rõ.
Đây chính là lý do vị PGS cho rằng, dù báo cáo hàng năm cho thấy chúng ta đã thực hiện tinh giản biên chế được một tỉ lệ nhất định, song đó mới là giảm tự nhiên chứ chưa được gọi là giảm yếu kém.
Cụ thể là tinh giảm mới chỉ nhắm đến những đối tượng nghỉ hưu hoặc chuẩn bị nghỉ hưu, với những đối tượng này nhà nước chi trả một cục rồi cho nghỉ hưu trước tuổi chứ không phải giảm những người yếu kém, không làm được việc.
"Cách đặt vấn đề, đặt mục tiêu tinh giảm chưa phù hợp nên giảm không đúng người, càng giảm càng tăng.
Vừa qua, cách tinh giảm biên chế theo kiểu giảm đầu mối làm việc của Bộ Công an cũng là một cách nhưng chưa thật sự hiệu quả.
Giảm đầu mối nhưng lại đẩy biên chế về địa phương, xã, phường, như vậy, tổng biên chế, tổng chi trả lương từ quỹ lương ngân sách không giảm được.
Tinh giảm hiệu quả là phải giảm đi những người thừa, để xác định được người thừa phải căn cứ vào vị trí việc làm. Không phải muốn cắt ở đâu, cắt thế nào cũng được, cắt bừa bãi sẽ dẫn tới tình trạng người làm được việc thì đi, người không làm được việc thì ở lại, rất bất cập", PGS Mạc Văn Tiến chỉ rõ.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng việc áp dụng chỉ tiêu 10% với tất cả các cơ quan, bộ ngành là bất cập, thậm chí còn gây tác động ngược, tạo ra những rào cản trong công tác tuyển dụng lao động, đặc biệt là những người làm được việc.
Quan trọng là đánh giá
Nhấn mạnh việc tinh giảm phải căn cứ trên vị trí việc làm, PGS Mạc Văn Tiến cho rằng phải đánh giá được năng lực, trình độ, hiệu quả của từng vị trí đó.
"Hiện chúng ta có tiêu chí đánh giá năng lực, trình độ của từng cán bộ, công chức nhưng chưa khoa học, chưa cụ thể dẫn tới tình trạng cán bộ nào cũng hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ nào cũng xuất sắc... Bệnh thành tích quá nặng, nếu căn bệnh này còn tồn tại thì không thể tinh giảm được biến chế, không thể giảm được nguồn chi từ quỹ lương chung", ông Tiến nói.
Nhắc lại câu chuyện tốc độ tăng lương trung bình đang quá nhanh trong khi, năng suất lao động lại không tăng, cụ thể tốc độ tăng lương năm 6,7%, trong khi năng suất lao động là 5%, trong giai đoạn 2004-2015, vị PGS cảnh báo rằng nếu "miếng bánh thu nhập" không lớn lên, mà lương vẫn phải tăng thì buộc chúng ta phải gặm dần vào miếng bánh tích lũy, nguồn lực đầu tư phát triển bị ăn mòn, mọi chi phí xã hội phải chắt bóp, tiết kiệm để chi trả lương cho người lao động; triệt tiêu dần động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Mặt khác, năng suất lao động/đầu người của Việt Nam hiện rất thấp, thấp hơn cả Campuchia. Tình trạng này khiến khoảng cách về năng suất lao động của Việt Nam với các nước như Singapore, Thái Lan... ngày càng bị cách xa.
"Nếu vẫn cứ luẩn quẩn trong vòng cải cách tiền lương - tăng năng suất lao động thì Việt Nam cứ tiến được một bước thì thế giới đã đi được ba bước, Việt Nam tăng được 3-4% cũng không đuổi kịp được Singapore chỉ tăng 1%. Vì thế, kỳ vọng có thể đuổi kịp được năng suất lao động của Singapore là ảo tưởng, khó có thể thực hiện được nếu cơ chế cải cách tiền lương không được thực hiện quyết liệt", PGS Mạc Văn Tiến phân tích.
Theo Lam Nguyên/Báo Đất Việt