"Tiếng thở dài" của người làm nghề bán thịt dê Ninh Bình giữa dịch Covid-19

Thanh Bình

(Dân trí) - Những năm trước, sau Tết khách đổ về Ninh Bình du xuân đông khiến nghề bán thịt dê dạo "ăn nên làm ra". Năm nay ảnh hưởng dịch Covid-19, khách thưa vắng khiến người bán thịt dê thất thu.

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm du khách đổ về Ninh Bình du xuân, tham quan nhiều nhất trong năm. Những năm trước, có ngày các điểm du lịch ở Ninh Bình như: Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động… mỗi ngày đón hàng chục nghìn lượt khách.

Tiếng thở dài của người làm nghề bán thịt dê Ninh Bình giữa dịch Covid-19 - 1

Các quầy bán thịt dê dạo san sát nhau trên đường vào Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình).

Nắm bắt được nhu cầu của nhiều khách du lịch khi đến Ninh Bình muốn ăn đặc sản thịt dê núi, nhiều nhà hàng, quán ăn mọc lên dày đặc trên đường Tràng An (con đường chính từ TP Ninh Bình và Quần thể danh thắng Tràng An) để phục vụ du khách. Nghề bán thịt dê dạo dọc 2 bên đường Tràng An cũng được hình thành tử đó.

Để thu hút khách mua, những người bán thịt dê dạo ở Ninh Bình thường đứng dọc hai bên đường, khu vực qua địa bàn các xã Ninh Xuân, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) và xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn) tỉnh Ninh Bình. Đây là những địa điểm đông khách du lịch qua lại khi đến tham quan chùa Bái Đính, danh thắng Tràng An…

Những năm trước, sau Tết Nguyên đán du khách đổ về đông, có hàng chục người ở các xã Ninh Xuân, Trường Yên, Gia Sinh làm nghề bán thịt dê dạo. Thời điểm đông khách, hàng bán được nhiều, nhiều gia đình ở các địa phương này "ăn nên làm ra", có nhà thu nhập được vài ba triệu đồng là bình thường.

Tiếng thở dài của người làm nghề bán thịt dê Ninh Bình giữa dịch Covid-19 - 2

Nghề bán thịt dê dạo ven đường chỉ cần chiếc xe kéo, thùng xốp, vài con dao, tấm biển quảng cáo đơn sơ... dê lấy từ lò mổ ra là có thể hành được nghề.

Anh Đinh Văn Trường ở xã Gia Sinh chia sẻ, những năm trước ăn Tết xong là gia đình anh lại sửa soạn đồ để hành nghề bán thịt dê dạo cho khách du lịch. "Đồ nghề chỉ cần chiếc xe kéo, vài ba con dao, túi ni lông, thùng xốp… Dê thì lấy nguyên con đã làm thịt thui vàng sẵn từ lò mổ ra là có thể hành nghề được.

"Dê bán thịt, tôi lấy nguyên con từ lò mổ ra sau đó đứng bên đường bán. Khách ưng phần thịt nào thì sẽ cắt bán phần thịt đó với số lượng yêu cầu. Trung bình mỗi kilogam thịt dê được bán với giá từ 350 - 500 nghìn đồng", anh Trường nói.

Những năm trước khi chưa có dịch Covid-19, những ngày cuối tuần sau kỳ nghỉ Tết, khách đông có ngày nhà anh Trường bán được 3 - 5 con dê. Lợi nhuận thu được từ nghề bán thịt dê dạo tiền triệu mỗi ngày.

Tiếng thở dài của người làm nghề bán thịt dê Ninh Bình giữa dịch Covid-19 - 3

Chị Lan ở xã Trường Yên cho hay, nếu có khách mua, người bán ít cũng hết được một con dê. Trừ hết chi phí mỗi ngày cũng kiếm được từ 5 trăm đến 1 triệu đồng. "Làm gì cho ra được mỗi ngày 1 triệu mà lại nhàn như nghề bán thịt dê dạo ven đường", chị Lan nói.

Từ sau Tết Nguyên đán năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du khách đến Ninh Bình du xuân ít hơn. Thậm chí có thời điểm thưa vắng khách. Vì thế, nghề bán thịt dê dạo cũng thu hẹp, nhiều người đã bỏ nghề kiếm việc khác để mưu sinh. Chỉ còn lại số ít theo nghề nhưng cũng "cầm chừng" bán cho qua ngày.

Thời điểm này, chỉ còn lại chừng 5 - 10 hộ gia đình ở xã Ninh Xuân, Trường Yên còn hành nghề bán thịt dê ven đường. Những hộ dân này bán ven đường Tràng An đoạn qua khu vực chợ bán hàng nông sản và thực phẩm tươi sống được huyện Hoa Lư quy hoạch sẵn.

Tiếng thở dài của người làm nghề bán thịt dê Ninh Bình giữa dịch Covid-19 - 4

Khu vực bán thịt dê trên đường Tràng An chỉ thấy người bán, vắng bóng không một người mua.

Anh Đinh Văn Hoàng (xã Ninh Xuân) cho biết, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu còn thấy khách đến du lịch đông đông một chút, thời điểm này thưa vắng khách hẳn. Những ngày trong tuần thì chỉ có 1 - 2 người bán thịt dê ở đây. Tuy nhiên, cả ngày bán cũng không hết nổi 1 con dê, giá thịt dê năm nay cũng xuống thấp. Có bán hết thì lãi chẳng đáng là bao nhiêu, không bán hết có lỗ vốn là chắc chắn.

Những ngày cuối tuần, tính toán khách sẽ đổ về các điểm du lịch đông hơn ngày thường nên số những quầy bán thịt dê dạo tăng lên. Tuy nhiên, do vắng khách nên nhiều người bán thịt dê cũng "đỏ mắt" chờ người mua.

Chị Hoa (một người bán thịt dê) cho hay: "Tôi ngồi từ sáng đến giờ đã quá trưa nhưng vẫn chưa bán được cân thịt dê nào. Một số quầy khác may ra cũng có vài ba khách vãng lai mua nhưng số lượng cũng rất ít, bán được ít cân thịt. Khách quá vắng, hết ngày không biết bán hết nổi một con dê thịt hay không".

Tiếng thở dài của người làm nghề bán thịt dê Ninh Bình giữa dịch Covid-19 - 5

Không có khách, nhiều người bán thịt dê dạo ở Ninh Bình tính bỏ nghề.

Chung tâm trạng như chị Hoa, chị Trần Thị Hà tâm sự: "Khách cứ vắng như này, ngày nào bán cũng lỗ. Sắp tới có khi cũng đành phải bỏ nghề đi kiếm việc khác làm mới có thêm thu nhập".

Theo tiết lộ của chị Hà, vốn bỏ ra mua dê đã được giết thịt sẵn chỉ việc mang về bán có giá trên 3 triệu đồng. Nếu bán hết thì lãi được khoảng hơn 500 nghìn đồng. Còn ế thịt thì nhập lại cho lò mổ với giá rẻ hơn, phải bù lỗ có khi cả triệu đồng.

Khách vắng, có ngày còn phải bù lỗ, tuy nhiên do không có việc khác để làm, nhiều người dân ở Ninh Bình vẫn cố bám trụ với nghề bán thịt dê dạo để kiếm sống qua ngày.