1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quảng Trị:

Người làm nghề bánh hộc tất bật vào vụ Tết

Thanh Phong

(Dân trí) - Nghề làm bánh hộc ở làng Mai Xá (tỉnh Quảng Trị) được duy trì từ nhiều đời, mang lại nguồn thu nhập cho người dân từ vài triệu, đến hàng chục triệu đồng vào dịp Tết.

Bánh hộc làng Mai Xá, xã Gio Mai (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) là một đặc sản truyền thống thường chỉ xuất hiện trong những ngày Tết cổ truyền.

Bánh đặc sản làng Mai Xá

Bánh vừa có vị ngọt bùi của gạo nếp đồng quê, vừa thơm phức mùi gừng, lạc. Đây là sản phẩm mang đậm tính dân dã của vùng nông thôn Quảng Trị, nhưng nức tiếng xa gần. 

Cứ vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, về làng Mai Xá người ta dễ nghe thấy tiếng gõ lốc cốc, cùng mùi thơm từ gừng quyện với nếp rang.

Người làm nghề bánh hộc tất bật vào vụ Tết - 1

Bánh hộc Mai Xá được người dân xem là đặc sản dân dã

Khoảng 1 tháng trước Tết, gia đình ông Trương Văn Thắng (73 tuổi) và bà Lê Thị Dụng lại sửa soạn dụng cụ tất bật làm bánh để cung cấp ra thị trường. Gia đình ông Thắng đã trải qua 4 đời làm bánh hộc. Ông luôn xem đó là niềm tự hào, niềm vui trong việc duy trì, phát triển nghề do cha ông truyền lại.

Người làm nghề bánh hộc tất bật vào vụ Tết - 2

Người dân thường làm bánh vào dịp Tết

Ông Thắng nói, ở làng này ít có người cao tuổi như vợ chồng ông vẫn bám nghề. Ông Thắng biết làm bánh từ nhỏ. Nghề làm bánh dù không mang lại giá trị kinh tế quá cao cho người dân, nhưng giải quyết được công việc khi nhàn rỗi.

Dịp Tết năm nay, gia đình ông Thắng đóng khoảng 500 hộc bánh, ngày cao nhất khoảng 70 hộc. Ông Thắng nhẩm tính, theo giá thành hiện tại, số tiền thu được khoảng 50 triệu đồng.

Để làm được số bánh này và kịp thời giao hàng cho người mua, hai vợ chồng ông huy động thêm con trai và người thân, khoảng 6 nhân công.

Người làm nghề bánh hộc tất bật vào vụ Tết - 3

Bà Lê Thị Dụng đã gắn bó với nghề gần cả cuộc đời

Là người làm bánh lâu năm, bà Lê Thị Dụng (vợ ông Thắng) nói rằng, mỗi năm gia đình bà chỉ làm vào dịp Tết. Nguyên liệu làm bánh gồm có: Mè, đậu lạc, nổ nếp, bột nếp, gừng, đường...

Ban đầu rang nếp bung, rang đậu lạc, sau trộn với nhau, thêm đường và gừng rồi đưa vào đóng. Muốn bánh thơm ngon, chất lượng phải tuân thủ đầy đủ quy trình.

Ông Trương Khắc Luyến (51 tuổi) và vợ Tạ Thị Thanh Trà cũng duy trì nghề làm bánh hơn 15 năm.

Người làm nghề bánh hộc tất bật vào vụ Tết - 4

Nhiều hộ dân lưu giữ nghề làm bánh hộc

Ông Luyến cho hay, tháng Tết gia đình ông làm 100 bánh, chủ yếu bán cho những hộ dân trong khu vực làm quà và dùng trong dịp Tết.

Tùy vào nhu cầu của mỗi người, bánh hộc sẽ có giá thành khác nhau, dao động từ 80-100 ngàn đồng/bánh.

Bà Trà cho hay, chưa kể tiền công bỏ ra thì với số bánh này gia đình bà lãi khoảng 5 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập này để gia đình mua sắm dịp Tết và mua áo quần cho con. Làm bánh chủ yếu tận dụng thời gian nhàn rỗi của hai vợ chồng.

Người làm nghề bánh hộc tất bật vào vụ Tết - 5

Nếp rang được trộn với các nguyên liệu khác để làm nên thứ bánh này.

Người làm nghề bánh hộc tất bật vào vụ Tết - 6

Những khối bánh hộc chắc chắn được gói giấy báo cẩn thận

Dù tuổi còn trẻ nhưng anh Trương Văn Phúc cũng bén duyên và duy trì với nghề làm bánh hộc. Anh tâm sự, từ nhỏ thấy cha mẹ làm bánh, sau lớn lên cũng biết phụ giúp một số công đoạn rồi dần theo đuổi nghề của ông cha.

Theo anh Phúc, nghề làm bánh hộc có thể xem là nét văn hóa đặc trưng của bà con trong vùng. Làm bánh hộc rất đa công, trong đó 2 khâu rang nếp và đóng cần sự tỉ mỉ. Khi rang nếp cần lửa đều để không bị cháy, nổ đều, đây cũng là công đoạn lâu nhất. Khi trộn với các vật liệu khác cần có kỹ thuật và kỹ năng cho vừa dẻo không ướt mà cũng không bị khô.

Người làm nghề bánh hộc tất bật vào vụ Tết - 7

Người đóng bánh cần khỏe mạnh để nén bánh chắc

Bước tiếp theo là công đoạn đổ nếp bung vào khuôn gỗ, phải cần người khỏe để đóng bánh được chắc chắn, dùng được lâu hơn.

"Hiện bánh hộc Mai Xá được đưa đi khắp mọi miền, con cháu mang ra nước ngoài. Dịp Tết, tranh thủ thời gian nhàn rỗi để đóng bánh cũng kiếm được khoản thu nhập khá để sắm Tết", anh Phúc nói.

Vào mỗi dịp Tết, người dân làng Mai Xá có thể tạo ra hàng ngàn hộc bánh để cung cấp ra thị trường, mang đến nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người dân nơi đây.