1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người làm nghề nấu cỗ tất bật dịp Rằm tháng Giêng

Phạm Công

(Dân trí) - Từ ngày 13 tháng Giêng, nhiều người làm nghề bán đồ cúng Rằm đã tất bật với công việc. Vất vả trong 15 tiếng mỗi ngày, họ nhận lại niềm vui khi lượng khách tăng gấp 3 - 4 lần ngày thường.

Làm việc hết công suất

Đáp ứng nhu cầu của khách hàng, trước ngày Rằm tháng Giêng 2 ngày, bà Lê Thị Thịnh trú tại Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã dậy từ 2h để chuẩn bị đồ xôi, nấu chè bán. Khách hàng của bà những năm gần đây tăng lên khiến cho công việc này thêm vất vả.

Chia sẻ của những người làm cỗ bán Rằm tháng Giêng

Nói về công việc, bà Lê Thị Thịnh cho biết: "Đồ xôi còn đỡ chứ nếu chè thì phải canh luôn tục bên bếp lửa hàng giờ đồng hồ để đảo sao cho đều tay. Người làm nghề chỉ cần quên đi một lát là cháy ngay. Nhiều lúc, tay tôi mỏi nhừ phải gọi các cháu giúp đỡ".

Bà Lê Thị Thịnh năm nay 74 tuổi nhưng đã có 55 năm làm nghề, tuổi đã cao nhưng lượng khách ngày các tăng lên. Bà có cả chục khách buôn đã hợp tác nhiều năm nay.  

Những ngày này, bà làm việc hết công suất, chuẩn bị đủ nguyên liệu, sắp xếp thời gian thật khớp để làm đủ hàng chay trả khách. Những ngày thường ít việc và thường làm muộn hơn.

Người làm nghề nấu cỗ tất bật dịp Rằm tháng Giêng - 1

Bà Lê Thị Thịnh tất bật với công việc nấu cỗ chay 

Cũng tất vật cho mặt hàng cỗ chay trên phố Gia Ngư (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chị Phạm Thị Hồng Vân - một người chuyên nhận nấu cỗ dịp Rằm tháng Giêng - cho biết: "Khách bắt đầu mua hàng đông từ ngày 13 tháng 1 âm lịch. Tôi dọn hàng ra bán từ 6 giờ sáng đến khuya. Mặt hàng cỗ chay tại cửa hàng đều do tôi và mẹ dậy từ đêm để làm".

Chị Phạm Thị Hồng Vân cho hay, những món để cúng rằm có những món đơn giản nhưng cũng có không ít món làm rất cầu kỳ, riêng các món ăn chay giả mặn thì cần rất nhiều nguyên liệu và thời gian thực hiện. Có những món phải chuẩn bị mất cả ngày trời như giò chay hay sườn chay…

Trừ chi phí, mỗi ngày chị thu lời vài triệu đồng. Ngày thường, lượng khách ít hơn, thu nhập của chị vài trăm nghìn đồng.

Người làm nghề nấu cỗ tất bật dịp Rằm tháng Giêng - 2

Chị Phạm Thị Hồng Vân cùng mẹ nấu cỗ rồi dọn hàng bán từ sáng sớm tới khuya 

Phải thật khéo léo

Theo chị Phạm Thị Hồng Vân, làm đồ cúng chay không phải ai cũng có thể làm được, phải thật sự khéo léo làm sao cho món ăn vừa ngon lại đẹp mắt. Các món này được làm trông khá giống món mặn, thoạt nhìn qua cứ tưởng là thịt, nhưng thực chất đều là đồ ăn làm từ thực vật.

"Tôi phải cất công đi chợ, chọn lựa nguyên liệu từ trước rằm cả tuần, sao cho mua được những nguyên liệu ngon và đảm bảo nhất. Năm nay, tôi còn làm bánh chưng chay để phục vụ khách, có bánh chưng chay nhân đậu và bánh chưng chay 7 màu không nhân" - chị Phạm Hồng Vân cho biết.

Người làm nghề nấu cỗ tất bật dịp Rằm tháng Giêng - 3

Vì là đồ cúng nên các mặt hàng này làm hết sức cầu kỳ

Không chỉ cỗ chay mà những người làm nghề cỗ mặn cũng tất bật trong những ngày này. 30 năm làm nghề cỗ cúng tại khu vực chợ Hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bà Hoàng Thị Tố cho biết: "Tôi phải huy động tất cả con cháu làm việc xuyên đêm trong những ngày này, công việc này không thể thuê được vì người làm thuê họ không có trách nhiệm cao".

Mặt hàng chủ yếu của bà là gà cúng. Những con gà cúng được bán tại cửa hàng được những người trong gia đình bà tạo hình và luộc. Bà Hoàng Thị Tố cho rằng việc tạo hình đã khó công đoạn luộc còn khó hơn.

"Phải làm sao cho con gà đúng dáng gà cúng, không méo mó. Lửa luộc phải đều thời gian canh từng phút, quá lửa hoặc quá giờ sẽ làm da con gà lễ bị rách, khách hàng sẽ không mua" - bà Hoàng Thị Tố cho hay.

Người làm nghề nấu cỗ tất bật dịp Rằm tháng Giêng - 4

Bà Hoàng Thị Tố kinh doanh mặt hàng gà lễ cúng tất bật trong những ngày này 

Những ngày cận Rằm tháng Giêng nhà bà bán hàng trăm con gà, con cháu tất bật bày biện sao cho đẹp mắt. Với giá giao động từ 300 - 400 nghìn đồng/con, mỗi ngày bà thu về cả chục triệu đồng.

Theo kinh nghiệm 30 năm làm nghề, bà Hoàng Thị Tố cho rằng người làm công việc này phải tính toán ngày thật kỹ, rằm vào ngày thứ sẽ bán đắt hàng hơn ngày cuối tuần vì chị em không có thời gian chuẩn bị. Năm nay, dịch Covid-19 đã khiến bà đã giảm 30% lượng hàng. Nhiều đền chùa không mở cửa đón khách, sức mua sẽ giảm đi.

"Tôi phải cất công đi chọn gà, để con gà lễ đẹp phải là gà vừa tháng không non cũng không quá già, mào to không có tật lỗi gì. Để giữ gà tươi ngon, người thịt thuê giao hàng đến là phải chế biến ngay" - bà Hoàng Thị Tố thông tin thêm.

Người làm nghề nấu cỗ tất bật dịp Rằm tháng Giêng - 5

Để đảm bảo tiến độ bà huy động đông đảo con cháu trong nhà 

Người làm nghề nấu cỗ tất bật dịp Rằm tháng Giêng - 6

Gà lễ phải được cho lựa thật kỹ đến khâu trang trí

Người làm nghề nấu cỗ tất bật dịp Rằm tháng Giêng - 7

Theo kinh nghiệm của bà Lê Thị Thịnh, xôi phải được đồ từ hôm trước sau đó để nguội trong tủ lạnh rồi đem đi đồ lần 2 mới đảm bảo được màu đẹp và độ dẻo

Người làm nghề nấu cỗ tất bật dịp Rằm tháng Giêng - 8

Mỗi món đồ cúng được giao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng

Người làm nghề nấu cỗ tất bật dịp Rằm tháng Giêng - 9

Vì Rằm tháng Giêng vào ngày thứ nên dịch vụ nấu đồ cúng đắt hàng hơn