DNews

Tiền có phải lý do khiến lao động Việt vừa trở về nước lại muốn đi ngay?

Huy Hậu

(Dân trí) - Không tìm được công việc ổn định, thu nhập hợp lý… là những nguyên nhân khiến nhiều lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng ở nước ngoài quyết định không trở về nước.

Tiền có phải lý do khiến lao động Việt vừa trở về nước lại muốn đi ngay?

Tiền có phải lý do khiến lao động Việt vừa trở về nước lại muốn đi ngay?

(Dân trí) - Không tìm được việc làm ổn định, thu nhập hợp lý ở quê nhà, trong khi vẫn có thể kiếm 100 triệu đồng/tháng nhờ công việc tay chân ở nước bạn… là những lý do khiến nhiều lao động Việt Nam tỏ ra tiếc nuối khi hết thời gian lao động ở nước ngoài.

200 triệu đồng, đó là toàn bộ số tiền vợ chồng anh Võ Cao Liêu (27 tuổi, đang sinh sống tại Hàn Quốc) tiết kiệm được sau 3 năm ra nước ngoài vừa học, vừa làm.

Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở các quốc gia châu Á. Công ty của anh Liêu đóng cửa, nhân viên bị sa thải hàng loạt khiến 2 vợ chồng anh phải trở về Việt Nam.

Ban đầu, cả hai làm việc trong một công ty môi giới bất động sản. Thế nhưng vì môi trường không thoải mái, cả hai đã dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm còn lại mở quán cà phê, tự chủ buôn bán.

Trừ chi phí, mỗi ngày vợ chồng Liêu dư dả được 300.000 đồng. Thế nhưng, số tiền đó đòi hỏi cả hai phải tằn tiện trong chi tiêu và sinh hoạt. 

Đến khi dịch bùng phát một lần nữa, vợ chồng Liêu đã nghĩ đến việc tiếp tục đi nước ngoài lao động. Khi Hàn Quốc vừa mở cửa, vợ chồng anh đăng ký ngay.

"Thời điểm đó, đầu tư quán xá, duy trì cuộc sống trong dịch khiến số tiền 200 triệu gần như đã hết. Ở Việt Nam có thể kiếm 300.000 đồng/ngày nhưng về lâu về dài khi sinh con cái thì nó không còn là mức thu nhập tốt, vì vậy đi nước ngoài lao động là lựa chọn phù hợp" - anh Liêu giải thích.

Tiền có phải lý do khiến lao động Việt vừa trở về nước lại muốn đi ngay? - 1

Vợ chồng anh Võ Cao Liêu làm việc trong một quán ăn tại Hàn Quốc (Ảnh: NVCC).

Chông chênh sau khi hồi hương

Theo thống kê của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong năm 2022, Việt Nam có khoảng 500.000 lao động hợp pháp, đang làm việc tại hơn 40 quốc gia.

3 tháng đầu năm 2023, số lượng người lao động này là khoảng 38.000, đạt 34,48% kế hoạch năm 2023 và gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ 2022. Các nước tập trung đông lao động Việt Nam gồm Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Vì kinh tế gia đình, không bằng cấp, không có khả năng học đại học, cao đẳng và khát khao sở hữu mức thu nhập cao… chính là những nguyên nhân chính khiến nhiều người Việt lựa chọn con đường "xuất khẩu". Trong đó, 90% theo đuổi các công việc lao động phổ thông và chỉ 10% đang làm ở lĩnh vực phân khúc cao.

Thế nhưng, có một nghịch lý xảy ra, sau khi hết hợp đồng và trở về nước, các lao động được đào tạo ở nước ngoài này lại vướng nhiều khó khăn, khó tìm việc làm phù hợp trong khi doanh nghiệp nước nhà vẫn mở rộng nhu cầu tuyển tay nghề trình độ cao. Thống kê Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR năm 2017 cho thấy có tận 61% thực tập sinh sau khi về Việt Nam đã làm công việc không liên quan khi ở Nhật. 

Tiền có phải lý do khiến lao động Việt vừa trở về nước lại muốn đi ngay? - 2

Nhiều lao động gặp khó khăn tìm việc phù hợp sau khi trở về nước (Nguồn ảnh: Pexels).

5 năm trước, sau khi về nước khi hết hạn lao động tại Nhật, chị Nguyễn Thị Lâm (30 tuổi, hiện đang sinh sống tại Nhật Bản) quyết định rời quê nhà ở miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp. Chỉ sở hữu bằng cấp 3 và chứng chỉ tiếng Nhật nên Lâm đành chấp nhận làm công nhân tại một công ty Nhật Bản có trụ sở ở quận 7 (TPHCM), với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Nhưng khó khăn nhất đối với chị là toàn bộ kỹ năng chế biến thủy hải sản được học hỏi ở nước ngoài đều không thể áp dụng khi trở về nước.

"Mỗi tuần mình phải xoay ca liên tục sáng tối. Công việc có thể không đòi hỏi nhiều như ở Nhật nhưng thực tế thu nhập thấp" - Lâm nói.

Lâm chia sẻ, môi trường làm việc tại Nhật Bản vẫn tồn tại nhiều khó khăn, nhất là về ngôn ngữ, văn hóa, vật giá… Thậm chí có thời điểm, chị và bạn cùng phòng chỉ dám mua đồ giảm giá vào mỗi tối, chọn cách "thắt lưng buộc bụng" để có các khoản tiết kiệm gửi về quê nhà.

"Đổi lại người Nhật Bản tính kỷ luật rất cao, năng suất lao động lớn hơn nên giúp mình tiết kiệm hơn 20 triệu mỗi tháng. Với một lao động tay chân như mình, mức này ở Việt Nam gần như khó. Thậm chí mình làm việc ở công ty Nhật tại Việt Nam 4 năm, nhưng lương cao nhất chỉ là 12 triệu đồng/tháng" - chị Lâm chia sẻ.

Tiền có phải lý do khiến lao động Việt vừa trở về nước lại muốn đi ngay? - 3

Mặc dù công việc khó khăn, đòi hỏi cường độ cao... nhưng mức lương hậu hĩnh vẫn khiến nhiều lao động muốn được đi nước ngoài làm việc (Ảnh: NVCC).

Nguyễn Thị Ly (27 tuổi, hiện đang sinh sống tại Nhật Bản) là thành viên thứ 3 trong gia đình chọn con đường ra nước ngoài lao động. Mặc dù tốt nghiệp chuyên ngành xuất nhập khẩu tại Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TPHCM, Ly vẫn quyết định ra nước ngoài vì muốn rút ngắn con đường làm giàu.

"Sau thời gian học xong cao đẳng, mình có khoản nợ sinh viên hơn 50 triệu đồng. Thời điểm đó mình đi làm, cố gắng tiết kiệm lắm mỗi tháng cũng chỉ dư 2 triệu đồng thì bao giờ mới trả được hết nợ? Vì vậy, sau khi nghe tư vấn, mình đã lên đường đi nước ngoài lao động" - Ly kể.

Năm 2020, sau khi hết thời hạn hợp đồng, Ly trở về nước. Mặc dù sở hữu tấm bằng cao đẳng, tiếng Nhật N3 và kỹ năng trong ngành giám sát kỹ thuật ô tô, nhưng Ly chỉ nhận được công việc tại công ty in ấn của Nhật tại TPHCM với mức lương 8 triệu đồng.

"Công việc mỗi ngày là phát hiện lỗi sai trả lời yêu cầu khách hàng bằng tiếng Nhật… Không đòi hỏi chuyên môn cao nhưng mức lương thấp khiến mình không đủ chi phí sinh hoạt" - Ly nói.

Tiền có phải lý do khiến lao động Việt vừa trở về nước lại muốn đi ngay? - 4

Nhiều lao động cho biết với công việc tay chân của mình, để có thể kiếm được 20 triệu đồng/tháng tại quê hương là điều khó khăn (Nguồn ảnh: Pexels).

Những lao động không muốn trở về

4 năm trước, sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Nguyễn Quang Đan (27 tuổi, hiện đang sinh sống tại Nhật Bản) đã sang nước ngoài theo diện kỹ sư. Có bằng cấp và được đào tạo chuyên ngành, Đan dễ dàng nhận mức lương 40 triệu đồng/tháng dù mới ra trường.

Ban đầu, cuộc sống xa quê hương khiến Đan gặp không ít khó khăn về ngôn ngữ, kinh nghiệm, sức khỏe và sự khắc nghiệt của thời tiết… Thế nhưng, chính môi trường kỷ luật cao, cách làm việc ngăn nắp đã khiến cậu yêu đất nước này.

Sang năm 2022, Đan trở về Việt Nam kết hôn và nhanh chóng thực hiện hồ sơ để bảo lãnh vợ cùng sang Nhật Bản sinh sống. "Mình muốn ở lại Nhật, thậm chí sau này sẽ có mái ấm gia đình, sinh con. Bên cạnh khó khăn thì mình được hưởng mức lương tốt, đời sống dân sinh cao" - Đan nói.

Tiền có phải lý do khiến lao động Việt vừa trở về nước lại muốn đi ngay? - 5

Các kỹ sư trẻ muốn tiếp tục làm việc ở nước ngoài để tích lũy kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển (Nguồn ảnh: Pexels).

Không có bằng cấp để tìm được công việc yêu thích, mức lương phù hợp tại quê nhà đã khiến nhiều du học sinh, kỹ sư và các lao động xuất khẩu như Đan, Ly, Lâm, lựa chọn không trở về nước. Thậm chí, sau một thời gian hết hợp đồng, không ít người lại tiếp tục ra nước ngoài để tu nghiệp.

Hiện tại, anh Võ Cao Liêu (quê Tiền Giang) đang vừa học vừa làm tại Hàn Quốc. Mỗi đêm anh sẽ sắp xếp thời gian làm việc tại nhà hàng từ 18h đến 2h sáng. Công việc này cho anh thu nhập 2-2,2 triệu won (khoảng 40 triệu đồng Việt Nam).

"Riêng vào những kỳ nghỉ hè, mình thường đăng ký làm ở công xưởng với mức lương hơn 3 triệu won (60 triệu đồng Việt Nam), hoặc xây dựng với hơn 5 triệu won (100 triệu đồng Việt Nam). Nếu trở về Việt Nam, những công việc tay chân này chỉ kiếm được 6-15 triệu đồng. Nó rất chênh lệch", Liêu nói.

Anh Đan cũng cho biết, sau 5 năm làm việc ở lĩnh vực cơ điện tử, hiện tại anh đang sở hữu mức thu nhập 50 triệu đồng/tháng. "Đối với các kỹ sư cùng ngành tại Việt Nam thường tầm 14-15 triệu đồng/tháng. Bạn bè mình khi tốt nghiệp đại học còn chuyển sang nghề IT vì nhu cầu thị trường lao động", Đan trải lòng.

Tiền có phải lý do khiến lao động Việt vừa trở về nước lại muốn đi ngay? - 6

Vợ chồng anh Võ Cao Liêu đã có hơn 5 năm làm việc tại các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ về vấn đề chênh lệch lương, chị Nguyễn Thị Ly thừa nhận, hiện tại mức thu nhập ở Nhật, Hàn, Úc... đều cao gấp 3-4 lần so với Việt Nam. Sau khi trở về Việt Nam 2 năm và gặp tình trạng này nên cuối năm 2021, chị Ly đã sang Nhật Bản theo diện du học. Hiện tại, cô đang theo học ngành kỹ sư ô tô. Bên cạnh đó, nhằm tự túc học phí, cô gái trẻ phải làm thêm 28 tiếng/tuần vào buổi tối và cuối tuần.

"Thời điểm mình là công nhân giám sát kỹ thuật ô tô, lương của mình trung bình hơn 30 triệu/tháng, có tháng lên đến 40 triệu. Nếu so với công việc cùng kiểu vậy ở Việt Nam thì cao lắm chỉ ở mức 10 triệu đồng. Ở Nhật tuy áp lực, sống xa gia đình, nhưng hầu hết vì vấn đề chênh lệch lương mà các thành viên gia đình mình đều về rồi đi xuất khẩu lao động tiếp" - chị Ly nói thêm.

Mặc dù đã có công việc giáo viên dạy tiếng Nhật tại Việt Nam, Mỹ Anh (27 tuổi, ngụ Bình Dương) vẫn nộp hồ sơ ra nước ngoài. Mỹ Anh chia sẻ, tuổi trẻ cần trải nghiệm ở một đất nước phát triển là nguyên nhân chính khiến cô muốn "xuất khẩu" thêm lần nữa trước khi về Việt Nam ở hẳn.

Sau 4 năm làm công nhân ở Sài Gòn, năm 2021, Lâm quyết định nộp hồ sơ để tiếp tục sang Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành y tá, cô đã có công việc ổn định. Cô gái trẻ chia sẻ năm sau sẽ cố gắng thi chứng chỉ quốc gia để đủ tiêu chuẩn trở thành hộ lý không thời hạn ở nước bạn.

 "Mình chưa có ý định trở về Việt Nam vì nghề này rất hạn chế ở nước ta, trong khi Nhật Bản còn nhiều cơ hội. Nếu điều kiện tốt, mình muốn đưa bố mẹ sang đây định cư" - Lâm nói.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Nội dung: Huy Hậu

Ảnh: NVCC, Pexels.