Lý do "chết người" khiến nhân sự trẻ lương 10 triệu vẫn ngửa tay xin tiền
(Dân trí) - Với nhu cầu sống cao, tạo sự thoải mái cho bản thân và thỏa mãn những đam mê trải nghiệm, du lịch, mua sắm… nhiều Gen Z ngày nay vẫn sống chật vật dù mức lương vượt 8 con số.
Đi làm nhiều năm vẫn chật vật như mới ra trường
Cứ đến giữa tháng, chị Hồ Thị Tường Vy (24 tuổi, trợ lý giám đốc tại TPHCM) lại phải "thắt lưng buộc bụng". Chị từ chối tất cả cuộc hẹn, lo lắng không đủ chi phí sinh hoạt đến kỳ nhận lương tiếp theo. Mặc dù ra trường 6 năm, nhận mức lương 10 triệu/tháng, nhưng Vy cho biết một tuần sau kỳ lương chị đã tiêu hết 2/3.
Anh Ngô Nguyễn Minh Hiền (25 tuổi, nhân viên thiết kế) cũng cảm thấy e thẹn vì lương 12 triệu đồng/tháng. Hiền vẫn phải nhận sự giúp đỡ từ gia đình bằng cách nhờ gửi đồ ăn và tự nấu tại nhà để giảm bớt chi phí. "Ra trường 3 năm, thi thoảng bố mẹ vẫn phụ cấp khiến mình rất ngại. Nhiều lúc mình còn quay lại thời sinh viên, sẵn thì bỏ bữa sáng, ăn hủ tiếu buổi tối, hoặc nấu tô mì gói…", Hiền nói thêm.
Ở trường hợp khác, dù có gia đình tại TPHCM, không phải lo tiền thuê nhà, nhưng mức lương 12 triệu cũng không giúp Nguyễn Thuyên An (25 tuổi, biên tập nội dung) khá khẩm hơn. Cô gái trẻ chia sẻ, mỗi tháng cô đều tìm kiếm các kênh mua sắm giá rẻ, cửa hàng nào chấp nhận thanh toán bằng hình thức tín dụng để đáp ứng nhu cầu bản thân.
Nhân sự trẻ thành "chúa chổm"
Theo thống kê tại Anh quốc, năm 2023, trung bình Gen Z rời trường đại học với khoản nợ 33.000 bảng Anh (gần 1 tỷ đồng tiền Việt Nam) trước khi họ bước vào thị trường lao động.
Và mới đây, qua báo cáo mới từ Credit Karma, các thành viên của Gen Z đã chứng kiến khoản nợ trung bình lên tới 16.283 USD trong quý 3/2022, tăng 3,1% so với 3 tháng trước đó. Đó là mức tăng lớn nhất so với bất kỳ thế hệ nào.
Việc quan tâm đến chất lượng đời sống, tư duy hưởng thụ sớm, tham gia trải nghiệm, du lịch, mua sắm và sở hữu những giá trị vô hình… khiến mức thu nhập 8 con số trở nên nhỏ hơn đối với thế hệ gen Z.
Anh Trần Hoàng Long (27 tuổi, nhân viên truyền thông) kể, bản thân đang có mức lương 16 triệu đồng. 1/3 trong đó anh dùng để tạo không gian sống thoải mái bằng việc thuê căn nhà 5 triệu đồng, khoảng 6 triệu đồng/tháng cho việc ăn uống, còn lại là các khoản mua sắm, vui chơi.
"Có tháng lương vừa đủ, có tháng buộc quẹt thêm thẻ ghi nợ. Nhiều khi mình khá đau đầu trong chuyện chi tiêu, nhất là lúc nhận thiệp mời cưới, tiệc sinh nhật…", Long than thở.
Sự tiêu tốn của Thuyên An lại dùng cho mục đích thỏa đam mê xê dịch và "nghiện mua sắm". Nhu cầu này chiếm hơn phân nửa khoảng lương hàng tháng của cô bạn trẻ.
"Mình đang bị hình thức mua sắm trực tuyến thao túng. Mỗi đêm nằm lướt sàn điện tử, mạng xã hội thôi cũng khiến mình đặt thêm đơn hàng. Mọi thứ quá tiện lợi, hơn nữa thanh toán qua tài khoản điện tử mình không có cảm giác 'đau ví' như thanh toán tiền mặt" - Thanh Anh nói.
Ngược lại đám đông, hiện một vài bạn trẻ lại dùng số tiền kiếm được để tái đầu tư cho bản thân. Như bạn Minh Hiền, lý do bạn đều thiếu hụt mỗi tháng là vì trích 4 triệu/tháng cho việc đăng ký các khóa học để nâng cao kỹ năng, chứng chỉ chuyên ngành và tập gym.
Minh Hiền cho hay, bản thân còn có dự định đầu tư các món đồ công nghệ để bổ trợ cho công việc, tuy nhiên trước mắt sẽ kiếm thêm việc "freelance" rồi mới an tâm mở thẻ trả góp.
Quản lý tài chính thông minh
Shark Thái Vân Linh - CEO của Quỹ Đầu tư Việt Nam, đã chia sẻ thẳng thắn trên mạng xã hội về tình trạng tiêu dùng không hoạch định của giới trẻ hiện nay. Theo đó, vị CEO cho biết học cách tiết kiệm quan trọng hơn so với số thu nhập kiếm được.
Thứ nhất, bạn luôn tạo thói quen tiết kiệm mọi lúc mọi nơi, có thể bắt đầu từ 500.000 đồng hay 1 triệu/tháng. Cứ mỗi tháng trích khoản thu nhập đẩy qua mục tiết kiệm trước nhất, cốt lõi là tạo cho bản thân thói quen.
Thứ 2, giữ tiền lẻ. Mẹo này thường bị bỏ qua, tuy nhiên nếu kĩ tính trong từng đồng, bạn không chỉ kiểm soát được chi tiêu mà còn có thêm một khoản tiền giúp đỡ thêm cho nhu cầu sống.
Thứ 3, tăng dần đều số tiền tiết kiệm. Tuần đầu tiên với số tiền nhỏ 10.000 đồng, tuần thứ 2 là 20.000 đồng, tuần thứ 3 là 30.000 đồng… tuần cuối cùng của năm sẽ là 520.000 đồng, như vậy tới cuối năm bạn sẽ sở hữu 14 triệu đồng.
Ngoài ra, Shark Linh cũng nói tới một quy tắc phổ biến là 50/30/20 do thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, bang Massachusetts (Mỹ) giới thiệu.
Theo đó, mỗi người sẽ chia thu nhập thành 3 phần lần lượt là 50%, 30% và 20% tương ứng với nhu cầu thiết yếu, nhu cầu cá nhân và tiết kiệm. Nhu cầu thiết yếu gồm: tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại, chăm sóc sức khỏe; nhu cầu cá nhân như xem phim, mua sắm, du lịch... những khoản chi để cuộc sống tận hưởng và thoải mái hơn.
20% thu nhập sẽ đẩy vào các quỹ tiết kiệm và đầu tư ngay sau khi nhận lương. Đây sẽ là khoản quỹ cho những rủi ro hoặc các dự án đầu tư "tiền sinh ra tiền."