1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bình Định:

Hàng ngàn lao động mất việc vì loạt doanh nghiệp gỗ đóng cửa

Doãn Công

(Dân trí) - Hàng ngàn lao động ở Bình Định bị cắt giảm giờ làm, thậm chí mất việc vì các doanh nghiệp gỗ hoạt động cầm chừng, hoặc đóng cửa do không có đơn hàng mới.

Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng trước thực tế khó khăn mà các doanh nghiệp gỗ đang đối mặt, hết quý II năm nay, sẽ có nhiều lao động trong ngành này mất việc.

Hàng ngàn lao động mất việc vì loạt doanh nghiệp gỗ đóng cửa - 1

Các doanh nghiệp gỗ ở Bình Định đang hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa khiến hàng ngàn lao động lâm cảnh thất nghiệp (Ảnh tư liệu: Doãn Công).

Qua ghi nhận, các doanh nghiệp gặp khó tập trung ở ngành chế biến đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sân vườn và sản phẩm nhựa giả mây, vốn thu hút đông lao động trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Tổng Giám đốc Công ty CP kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn), tình hình sản xuất gỗ xuất khẩu của công ty chỉ đạt khoảng 45% kế hoạch. Trước đây, công ty luôn duy trì trên 1.300 công nhân, đến nay phải cắt giảm khoảng 300 người vì đơn hàng không có.

Chị Nguyễn Thị Bé, công nhân Công ty CP kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty nơi chị làm bắt đầu khó khăn từ đầu năm nay, thu nhập cũng giảm đáng kể.

Hàng ngàn lao động mất việc vì loạt doanh nghiệp gỗ đóng cửa - 2

Anh Tân (trái) đang lo lắng sẽ thất nghiệp nếu công ty không có đơn hàng (Ảnh: Doãn Công).

"Trước đây, lương của tôi tầm 9-10 triệu đồng/tháng, nay giảm còn 5-6 triệu đồng/tháng. Nhiều tháng nay, có tổ sản xuất không có hàng để làm, công nhân mất việc", chị Bé nói.

Còn anh Đào Duy Tân (51 tuổi, trú tại huyện Tuy Phước), công nhân công ty sản xuất dăm gỗ tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, lo lắng: "Trước đây, bình quân mỗi tháng lương của tôi được khoảng 7-8 triệu đồng, nay chỉ còn 2 triệu đồng. Thu nhập của tôi tính theo sản phẩm nhưng nay không có hàng để làm. Cứ theo đà này, có khi tôi mất việc".

Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, tình trạng sụt giảm, thậm chí mất hẳn đơn hàng tại các thị trường chính như Mỹ, EU, Anh... là vấn đề khó khăn ngành gỗ đang đối mặt, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người lao động.

Ông Thiện cho rằng, không riêng gì Bình Định, ngành gỗ cả nước đều đang gặp khó khăn. So với năm 2022, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu gỗ của doanh nghiệp ở Bình Định giảm khoảng 60%.

"Từ nay đến hết tháng 6, các doanh nghiệp gỗ ở Bình Định phải tạm thời cho công nhân nghỉ việc. Một số doanh nghiệp còn đơn hàng hoặc làm hàng mẫu chỉ giữ lại ít công nhân để duy trì hoạt động", ông Thiện nói.

Theo cập nhật của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đến 10/5, trong số 40 doanh nghiệp trong ngành gỗ, hiện chỉ có 10 doanh nghiệp còn đơn hàng sản xuất đến cuối tháng này; 13 doanh nghiệp vẫn sản xuất hàng mẫu, chủ yếu để giữ việc làm cho người lao động; 17 doanh nghiệp dừng sản xuất.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định cũng cho biết, lao động giảm việc, mất việc hiện tập trung ở ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Ngoài ra, ngành da giày cũng đang cắt giảm lao động. Trên địa bàn, riêng các doanh nghiệp lớn trong ngành may cơ bản vẫn hoạt động ổn định.