"Thưởng Tết - vấn đề giữ chân người lao động được quan tâm nhất"
(Dân trí) - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân giải thích, không có quy định nào về thưởng Tết, bởi Tết là ngày người lao động được nghỉ không làm việc và được hưởng nguyên lương.
Vậy sao lại còn phải thưởng vào những ngày này và bản chất của khoản tiền thưởng này là gì?
Nhân dịp năm mới Nhâm Dần, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trao đổi với PV Dân trí về câu chuyện nhà nhà, người người đều quan tâm - chuyện tiền thưởng Tết.
- Khi còn công tác, báo giới thường tìm tới ông vào những dịp cuối năm để có thông tin về tiền lương và thưởng cuối năm. Vậy tới thời điểm này, quan điểm về tiền thưởng dịp Tết của ông có thay đổi so với trước kia?
- Từ trước tới nay, tôi vẫn luôn cho rằng bản chất của tiền thưởng cần được hiểu đúng nghĩa. Nói một cách chính xác, đây là khoản tiền thưởng được chia vào thời điểm dịp Tết dương lịch và âm lịch. Điều này khác với cách hiểu, số tiền thưởng này được chia do nhân dịp 2 sự kiện này.
Bản chất của các khoản tiền thưởng trên là sự đánh giá ghi nhận sự đóng góp của cá nhân hay tập thể khi làm tăng hiệu quả công việc hay hiệu quả sản xuất kinh doanh sau một chu kỳ hoạt động, thường là một năm. Do đó, Điều 104 của Bộ Luật Lao động chỉ quy định thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh hoặc theo mức độ hoàn thành công việc.
Ở Việt Nam, năm tài chính của doanh nghiệp trùng với năm theo dương lịch. Thời gian triển khai việc đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh và xét thưởng sẽ trùng vào dịp sau tết dương lịch và trước tết âm lịch. Trong khi đó, khi lĩnh tiền thưởng, người lao động dùng vào nhu cầu chi tiêu dịp tết nên mọi người thường gọi nôm na là thưởng Tết.
"Xin lưu ý, lương có thể như nhau nhưng điểm khác nhau chính là khen và thưởng về tinh thần lẫn vật chất...", Nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân chia sẻ.
Những năm gần đây, khi kinh tế của Việt Nam có sự tăng trưởng, thị trường lao động cũng phát triển theo, cạnh tranh lao động cũng bắt đầu xuất hiện do đó vấn đề tiền lương, tiền thưởng được chú ý nhiều.
- Dù có thể nhận diện về bản chất của tiền thưởng dịp cuối năm nhưng chúng ta cũng đều thừa nhận một thực tế: Càng ngày, người lao động càng quan tâm nhiều tới chính sách thưởng này và đặc biệt bằng tiền mặt, thưa ông?
- Điều này có thể lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết là trong bối cảnh toàn cầu và cuộc cách mạng 4.0, người lao động có điều kiện lựa chọn công việc và quan tâm nhiều hơn đến các chế độ đãi ngộ, trong đó có tiền lương, tiền thưởng và thu nhập. Từ đó, họ có thể tự quyết định có gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hay không.
Người lao động quan tâm đến tiền thưởng còn bởi đó là hình thức ghi nhận đánh giá kịp thời mức độ đóng góp của họ ngoài tiền lương. Xin lưu ý, lương có thể như nhau nhưng điểm khác nhau chính là khen và thưởng cả tinh thần lẫn vật chất. Điều này sẽ tạo động lực để người lao động làm tốt công việc. Chính bởi vậy, dân gian đã có câu "mười đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng".
Bên cạnh đó, tổ chức đại diện của người lao động ngày càng có sự quan tâm trao đổi với người sử dụng nhằm bảo vệ quyền lợi ích đã được quy định trong pháp luật lao động và thỏa thuận trọng các thỏa ước lao động tập thể.
Mặt khác bản thân người sử dụng lao động cũng phải tính toán áp dụng các hình thức khuyến khích phù hợp để ổn định và giữ chân người lao động nhằm bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của chu kỳ sản xuất, kinh doanh tiếp theo.
Sự chia sẻ lợi ích, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua hình thức tiền thưởng cũng đặt nền tảng góp phần tạo mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.
Cuối cùng, tiền thưởng dịp cuối năm còn là bề nổi của câu chuyện cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm xây dựng chính sách đãi ngộ, trong đó có chính sách tiền thưởng hợp lý bảo đảm yếu tố cạnh tranh.
- Theo thống kê của Chuyên mục An sinh - Việc làm (Báo Dân trí) về tiền thưởng dịp tết do Bộ LĐ-TB&XH công bố, giai đoạn 2016-2021, mức tiền thưởng cao nhất được doanh nghiệp báo cáo là hơn 3,5 tỷ đồng, nhưng cũng có nơi thưởng Tết chỉ ở mức rất thấp, 20.000 đồng, mang tính tượng trưng là chủ yếu. Ông đánh giá thế nào về việc này?
- Số liệu này dựa trên thống kê con số từ các doanh nghiệp có gửi báo cáo thưởng tết cho cơ quan quản lý lao động dịp cuối năm. Nhưng do không có tính ràng buộc bằng quy định pháp luật nên vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa báo cáo. Tuy nhiên, các số liệu này cũng phần nào phản ánh bức tranh về tiền thưởng dịp cuối năm.
Trong thực tế, mức thưởng được doanh nghiệp thực hiện khá phong phú. Nhưng thông thường nhất, các doanh nghiệp sẽ áp dụng mức một tháng lương. Những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả thì mức thưởng bằng nhiều tháng lương, tiền lương trong cùng doanh nghiệp hay giữa các doanh nghiệp, ngành nghề rất khác nhau nên tiền thưởng cũng khác nhau.
Về cách phát thưởng cũng khác nhau. Nơi thưởng ít thì phát vào dịp trước tết âm lịch để bảo đảm nhu cầu chi tiêu. Nơi thưởng nhiều thì được phát cả trước và sau tết âm lịch mà không phát dồn vào dịp trước tết. Nơi thì công khai thông tin, nơi thì chỉ công khai trong nội bộ.
Thông thường, những người có đóng góp nhiều vào hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thì được thưởng nhiều tháng lương để khuyến khích họ tiếp tục làm lợi cho doanh nghiệp. Ngược lại, những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả chưa cao thậm chí bị lỗ thường cố gắng tìm nguồn thưởng cho người lao động 1 tháng lương cơ bản hoặc ít nhất cũng nửa tháng lương cơ bản. Nhiều doanh nghiệp ngoài tiền thưởng còn có cả túi quà, có doanh nghiệp thưởng cho người lao động bằng hiện vật.
- Năm 2021 đã qua với nhiều khó khăn do tác động của Covid-19. Ông có bình luận gì về tiền thưởng Tết của năm nay? Có thể dự đoán thế nào về xu hướng trong những năm tới?
- Năm 2020 và năm 2021, thế giới phải đối mặt với thách thức của dịch Covid-19. Những ảnh hưởng của đại dịch đã tác động đến nhiều mặt như kinh tế, xã hội, đời sống, sức khỏe. Việt Nam cũng bị tác động ảnh hưởng tương tự.
"Với những thực tế đó, có thể hiểu, tiền thưởng cuối năm không sôi nổi như những năm chưa có dịch...", ông Phạm Minh Huân nhận định.
Năm 2021, kinh tế nhiều nước đã từng bước phục hồi thì quý 2 và 3 lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chuỗi cung ứng của chúng ta cho thế giới bị ảnh hưởng rất nặng, sản xuất, việc làm, tiền lương, thu nhập, đời sống của hàng triệu người bị ảnh hưởng, tình hình quý 4 có "sáng" hơn nhưng vẫn còn rất khó khăn.
Với những thực tế đó, có thể hiểu, tiền thưởng cuối năm không sôi nổi như những năm chưa có dịch. Những mảng "sáng" và "tối" trong bức tranh thưởng Tết đan xen nhau. Các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do dịch làm ăn hiệu quả thì vẫn duy trì tiền thưởng ít nhất như những năm chưa bị dịch, cũng có doanh nghiệp thậm chí đã thưởng cao hơn so với các năm trước, dù là không nhiều.
Đáng ghi nhận là những doanh nghiệp còn gặp khó khăn cũng đã cố gắng duy trì mức thưởng bằng khoảng 1 tháng lương để hỗ trợ người lao động chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán và nhằm giữ người lao động trở lại làm việc sau Tết.
Trong những năm tới đây, khi kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế khôi phục hoàn toàn sẽ kéo theo sự phục hồi của thị trường lao động. Lúc đó, tiền thưởng sẽ trở lại vai trò kích thích động lực làm việc hiệu quả và người sử dụng lao động và người lao động sẽ cùng quan tâm chia sẻ với nhau để phát triển sản xuất kinh doanh cũng như bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
- Vượt qua những khó khăn trong giai đoạn ngắn, tiền thưởng cuối năm phần nào đã phản ánh một "lát cắt" trong câu chuyện dài về chính sách đãi ngộ nhân sự và dùng người, thưa ông?
- Đúng vậy. Vấn đề giữ chân người lao động đều được các doanh nghiệp quan tâm nhất là trong bối cảnh có sự căng thẳng nhất định giữa cung và cầu lao động tại một thời điểm hay khu vực nào đó, ngành nghề nào đó.
Nhưng thông thường phải bằng nhiều chế độ đãi ngộ và kết hợp với nhau chứ không chỉ có tiền thưởng. Đầu tiên phải là tiền lương phải trả đúng với vị trí năng lực và khả năng cống hiến của họ, rồi tiền thưởng, chế độ làm việc, nghỉ ngơi, học tập, thỏa mãn các nhu cầu cá nhân khác…
- Xin cảm ơn ông!