1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tỷ lệ doanh nghiệp thưởng Tết "rủng rỉnh" với nơi chỉ tượng trưng ra sao?

Bình Minh

(Dân trí) - Dịch Covid-19 ảnh hưởng, bên cạnh những doanh nghiệp cố gắng duy trì tăng trưởng nên thưởng Tết khá cao, cũng có nhiều doanh nghiệp khó khăn, thưởng Tết cho người lao động chỉ là túi quà.

 Duy trì tăng trưởng, thưởng Tết "rủng rỉnh"

Những năm qua, thị trường tiêu thụ lớn nhất của Công ty xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa) là ở phía Nam. Thế nhưng, dịch Covid-19 khiến mức tiêu thụ của thị trường này giảm hoàn toàn trong những tháng đầu năm.

Ông Noguchi Toshio, Giám đốc hành chính Công ty xi măng Nghi Sơn cho biết: "Dịch Covid-19 hết sức phức tạp, công ty không tránh khỏi những khó khăn trong tình hình chung. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ giảm sâu so với mọi năm, đặc biệt thị trường phía Nam gần như không tiêu thụ được sản phẩm trong những tháng đầu năm, cho đến tháng 9, 10, hoạt động mới bắt đầu vực lại".

Tỷ lệ doanh nghiệp thưởng Tết rủng rỉnh với nơi chỉ tượng trưng ra sao? - 1

Ông Noguchi Toshio, Giám đốc hành chính Công ty xi măng Nghi Sơn cho biết, dù khó khăn do dịch Covid-19 nhưng Công ty luôn đảm bảo mức lương cũng như phúc lợi của người lao động.

Theo ông Noguchi Toshio, để có thể đảm bảo người lao động không bị mất việc, ngừng việc hay giảm lương, công ty đã đưa ra các chiến lược kích cầu bán hàng như tăng khuyến mãi, hoa hồng… Doanh nghiệp cũng chủ động điều chỉnh lại nhu cầu thị trường, trước đây xuất khẩu chiếm 3-5%, đến khi thị trường phía Nam sụt giảm thì tỷ lệ xuất khẩu tăng lên 10%.

"Đặc biệt trong thời gian sắp tới, tình hình dịch bệnh được dự báo còn nhiều khó khăn, đặc biệt là với biến chủng Omicron nhưng công ty vẫn cố gắng hết sức đảm bảo hoạt động của cũng như lợi ích của người lao động trong doanh nghiệp", ông Noguchi Toshio cho biết thêm.

Cũng theo đại diện Công ty xi măng Nghi Sơn, mức lương trung bình của người lao động tại đây là 16,5 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, mức thưởng Tết Nguyên đán năm nay sẽ không chênh nhiều so với năm trước, cụ thể mức thưởng bình quân sẽ trên 20 triệu đồng/người.

Còn đối với Công ty TNHH Dầu thực vật khu vực miền Bắc Việt Nam, ông Yong See Leng, Giám đốc điều hành doanh nghiệp cho biết: "Do dầu ăn là mặt hàng thiết yếu nên khi dịch Covid-19 xảy ra lại ảnh hưởng tích cực trong việc tiêu thụ sản lượng. Nếu như năm 2019, doanh nghiệp đạt sản lượng 35.000 tấn thì năm 2021, con số này tăng lên 74.000 tấn".

Cũng theo ông Yong See Leng, do công ty thành lập chưa được bao lâu, vẫn đang trong quá trình thu hồi vốn nên dù doanh thu tăng nhưng mức thưởng của người lao động vẫn như mọi năm là một tháng lương thứ 13 (bình quân hơn 13 triệu đồng/người).

Mức thưởng Tết "rủng rỉnh" cũng được áp dụng ở một số doanh nghiệp khác trên địa bàn Thanh Hóa, như Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn, những nhân sự ở nhóm thưởng cao nhất đạt hơn 30 triệu đồng/người, bình quân toàn doanh nghiệp là hơn 13 triệu đồng/người…

Tỷ lệ doanh nghiệp thưởng Tết rủng rỉnh với nơi chỉ tượng trưng ra sao? - 2

Ông Yong See Leng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dầu thực vật khu vực miền Bắc Việt Nam.

"Thưởng Tết chỉ là động viên"

Là công nhân của Công ty giày Aleron Việt Nam, chị Lê Thị Dung (huyện Hoằng Hóa) cho biết, dịch khiến năm qua chị phải nghỉ nhiều đợt, cuộc sống vô cùng khó khăn. Công ty cũng chung cảnh "giữa muôn trùng vây" nên Tết cũng chỉ tặng cho người lao động món quà trị giá 300 nghìn đồng/người.

"Mỗi người sẽ được nhận 2 lít dầu ăn với giá 110.000 đồng và 190.000 đồng tiền mặt. Thôi thì có thưởng đã là may mắn lắm rồi, coi như là chút động viên", chị Dung chia sẻ.

Tỷ lệ doanh nghiệp thưởng Tết rủng rỉnh với nơi chỉ tượng trưng ra sao? - 3

Công nhân của Công ty TNHH Dầu thực vật khu vực miền Bắc Việt Nam sẽ được thưởng Tết một tháng lương 13 với mức bình quân hơn 13 triệu đồng/người.

Có thâm niên làm việc tại Công ty CP Quản lý và Khai thác bến xe Thanh Hóa đến nay đã hơn 20 năm, chị Cao Thị Xuân, nhân viên Bến xe phía Nam, cho biết: "Từ tháng 7/2021 đến nay, tôi chưa nhận được đồng lương nào vì bến xe không có khách. Sống không có lương đã khó khăn lắm rồi mà tình hình này, Tết đến rồi, công ty không có tiền hỗ trợ, động viên, người lao động sẽ buồn tủi lắm".

Ông Lê Đình Lịch, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Khai thác bến xe Thanh Hóa cho biết: "Trước đây, khi chưa xảy ra dịch Covid-19, có khoảng 300 xe ô tô khách/ngày ra vào đón, trả khách tại bến, bảo đảm việc làm cho khoảng 130 lao động, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, 7 bến xe do công ty quản lý có đến 6 bến không có doanh thu, kéo theo các dịch vụ tại các bến xe cũng đóng cửa. Để cầm cự qua đại dịch, ngoài thực hiện cắt giảm nhiều khoản chi không thật sự cần thiết, công ty còn phải thực hiện cắt giảm lao động, nghỉ luân phiên và có nhiều lao động chỉ làm việc từ 5 - 6 ngày/tháng. Số ngày công này đủ để họ đóng tiền bảo hiểm".

Ông Lịch cũng cho hay, khó khăn là vậy nhưng công ty đang cố gắng đảm bảo dịp Tết Nhâm Dần này, mỗi lao động có từ 1-1,5 triệu đồng tiền Tết.