Thông tư mới về giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT: “Bình mới, rượu cũ”?
(Dân trí) - Theo chuyên gia của Bảo hiểm xã hội VN, Thông tư 15/2018/TT-BYT mới được ban hành không khác nhiều so với Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC về mức giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT trước đó. Người có thẻ BHYT khi đến khám chữa bệnh có cảm giác được giảm giá, nhưng thực tế không có nhiều thay đổi về giá.
Cũng theo chuyên gia này, có ba điểm bất cập dễ nhìn thấy nhất trong Thông tư 15/2018/TT-BYT (gọi tắt là Thông tư).
Bất cập thứ nhất được lưu ý là việc xây dựng giá trong Thông tư chỉ áp dụng cho bệnh viện hạng 1.
“Trên cơ sở đó, Thông tư áp dụng việc nhân tỉ lệ cho các tuyến theo các hạng bệnh viện mà không khảo sát ở các bệnh viện tuyến dưới. Điều này sẽ khác rất xa so với khi đi khảo sát. Khi điều chỉnh Thông tư, Bộ Y tế vẫn sử dụng những thông tin định mức của bệnh viện tuyến đặc biệt hạng 1 của Bộ Y tế nên không phù hợp với thực tế” - chuyên gia cho biết.
Điểm bất cập tiếp theo là giảm tiền khám nhưng tăng định mức. Cụ thể, trong Công văn số 2704/BYT-KH-TC ngày 16/05/2018 có đưa ra định mức là mỗi bàn khám hạng đặc biệt là 37, 40, 42, 45.
“Nhưng trong Thông tư lại tăng định mức lên đến mức tối thiểu là 65, nghĩa là trên 65 vẫn thanh toán. Nghĩa là nếu đặt ra định mức 37 thì mỗi bệnh nhân sẽ phải khám mất 20 phút, bây giờ tăng gấp đôi lên thì mỗi bệnh nhân chỉ còn 10 phút, thậm chí chỉ còn 5 - 8 phút để khám bệnh” - vị chuyên gia cho biết thêm.
Cũng theo phân tích trên, đây là một cách giảm giá trên danh nghĩa nhưng trên thực tế tổng số tiền vẫn không đổi. Tổng số đơn khám tăng lên, trong khi đó tổng tiền không đổi mặc. Điều này sẽ dẫn tới tâm lý của người có thẻ BHYT cho rằng đơn giá giảm.
Cũng theo chuyên gia trên, trong kết cấu về tiền giường có nhiều điểm không hợp lý.
“Đơn cử như việc tính chi phí cho trang thiết bị. Một giường bệnh khi sử dụng tính khấu hao tài sản trong vòng 5 năm. Nhưng theo Thông tư, giá trị tài sản lại được khấu hao lên tới… 8 năm. Đáng lý ra phải chia 8 thì ở đây lại chia 5” - vị chuyên gia cho biết.
Cũng theo ý kiến chuyên gia trên, trong quá trình làm giá, Bộ Y tế đã chưa bám sát vào thực tế các bệnh viện hiện nay. Ví dụ như cơ quan BHXH yêu cầu là phải thanh toán theo thực tế. Nếu như trả cho bệnh viện tuyến dưới đúng như giá của bệnh viện tuyến trên thì họ sẽ không có động lực để đầu tư trang thiết bị.
“Nếu như trả đúng giá của họ - tức là anh có cái gì tôi trả anh cái đấy thì người ta sẽ phải nâng cao chất lượng lên, phải đầu tư thêm trang thiết bị. Tuy nhiên do vẫn trả cho bệnh viện tuyến dưới ở mức rất cao và không khuyến khích họ có động lực để đầu tư thì họ chẳng cần đầu tư” - chuyên gia cho biết.
Vị chuyên gia này lo ngại, điều này có thể sẽ dẫn tới hệ quả là các bệnh viện sẽ tiếp tục kê thêm giường, vẫn giữ bệnh nhân chế độ bảo hiểm nằm ở viện để tính thêm chi phí.
“Thiếu định mức tối thiểu về dịch vụ và thiếu định mức tối đa, dẫn đến cứ cái nào đưa ra là đều được thanh toán cả, sẽ dẫn đến không có động lực để đầu tư, nâng cao chất lượng. Do vậy, về bản chất, Thông tư 15/2018/TT-BYT vừa thay thế cho Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC không giải quyết được nhiều điều, vì bản chất vấn đề vẫn không đổi” - vị chuyên gia nhận xét.
Phan Minh