1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thợ "xẻ thịt" ô tô và nguyên tắc "bán phế liệu, không bán lương tâm"

Hoàng Lam

(Dân trí) - Thợ "xẻ thịt" ô tô phải có con mắt tinh tường để đánh giá linh kiện nào còn có thể tái sử dụng, cái nào là đồng nát. Việc đánh giá này không chỉ bằng kinh nghiệm mà phải có lương tâm.

Trời nắng như đổ lửa, ông Nguyễn Văn Sáng (xã Mỹ Thành, Yên Thành, Nghệ An) "lội" trong bãi chứa ô tô cũ. Bãi chứa nằm cạnh quốc lộ 7, ăn sâu vào một sườn núi, ngổn ngang những chiếc xe tải đủ loại đã và đang bị tháo rời từng phần.

Thợ xẻ thịt ô tô và nguyên tắc bán phế liệu, không bán lương tâm - 1

Ông Sáng dùng máy xì để cắt khung xe ô tô cũ.

Ông Sáng leo lên khung một chiếc xe tải cỡ nhỏ, dùng máy xì nung nóng những bộ phận cần cắt. Chiếc trục xe dần bị cắt rời từng bộ phận, vứt sang một bên chờ nguội để tháo thiết bị. Những phần bị gỉ sét hoặc không thể sử dụng máy xì để cắt, ông phải dùng búa hoặc xà beng để cạy ra.

Trời nắng, cộng với hơi nóng từ máy xì sắt thép bị nung chảy, quyện với mùi dầu mỡ xốc lên khiến những người không quen cảm thấy như ngộp thở.

Thợ "xẻ thịt" ô tô kiếm chục triệu mỗi tháng

Nhà ông Sáng ở sát cạnh bãi "xẻ thịt" ô tô và làm quen với công việc này hơn 7 năm nay. Trước ông làm nông, ngày nhàn rỗi thì đi làm thuê. Từ khi bãi xẻ được người chủ di chuyển từ trong xóm ra sát đường lớn để tiện cho việc vận chuyển, tập kết hàng hóa, ông Sáng chuyển sang công việc này và gắn bó cho đến nay. Công việc không yêu cầu trình độ hay kinh nghiệm, cứ người biết hướng dẫn cho người chưa biết, làm mãi thì quen tay.

"Việc cũng không nặng nhọc hay áp lực gì lắm, quan trọng là tự biết việc mà làm. Mùa đông thì thoải mái hơn, còn mùa hè thì vất vả, trên thì nắng, dưới thì nóng...", ông Sáng cho biết.

Thợ xẻ thịt ô tô và nguyên tắc bán phế liệu, không bán lương tâm - 2

Sau khi cắt, phần kim loại đang nóng ông Sáng phải dùng xà beng cạy tách rời ra.

Anh Hồ Sỹ Hữu là người trẻ nhất trong nhóm thợ "xẻ thịt" ô tô nhưng lại là người có kinh nghiệm nhất với 15 năm làm nghề. Tốt nghiệp khóa sửa chữa ô tô nên ngoài công việc "thợ xẻ", anh Hữu còn trực tiếp sửa chữa máy móc hỏng hóc hay "độ" máy cho khách.

"Ô tô được mua về "xẻ thịt" đều là đời cũ nhưng nhiều máy móc, linh kiện còn khá tốt. Trong khi đó, có linh kiện của một số dòng xe cũ không còn sản xuất nữa hoặc chủ xe không có điều kiện để thay mới nên chọn mua đồ cũ để tiết kiệm một khoản chi phí", anh Hữu lý giải.

Thợ xẻ thịt ô tô và nguyên tắc bán phế liệu, không bán lương tâm - 3

Một người khách đang tìm bộ cần gạt nước cho xe trong bãi "xẻ thịt" ô tô. Việc mua đồ cũ sẽ giúp anh tiết kiệm được khoảng 1/2 số tiền so với mua thiết bị mới.

Anh Hữu vừa trò chuyện, vừa kiểm tra lại bộ máy vừa lắp cho khách. Đôi bàn tay lấm lem dầu mỡ, cẩn thận kiểm tra từng chi tiết, khởi động máy rồi gật gù ra vẻ hài lòng khi nghe tiếng động cơ chạy êm tai.

Hỏi về công việc, anh Hữu cười: "Làm nghề này quan trọng nhất là lương tâm. Người thợ phải đánh giá được loại thiết bị, linh kiện nào còn có thể tái sử dụng bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng máy sau khi được thay thế hay lắp ráp mà còn quyết định đến sự an toàn của xe cũng như sức khỏe, tính mạng của người ngồi trên xe. Đối với những linh kiện đã hao mòn, độ an toàn thấp thì nhất quyết phải loại bỏ làm phế liệu".

Thợ xẻ thịt ô tô và nguyên tắc bán phế liệu, không bán lương tâm - 4

Anh Hồ Sỹ Hữu: Người làm nghề "xẻ thịt" ô tô quan trọng nhất là phải có lương tâm.

Nghề "xẻ thịt" ô tô được ông Nguyễn Vĩnh Thoan (xã Mỹ Thành, Yên Thành) đưa về quê từ năm 1996, sau thời gian dài đi buôn đồng nát và học từ các cơ sở thu mua ô tô cũ.

Thời gian đầu, quy mô còn nhỏ, xưởng đặt ngay trong vườn, chủ yếu ông Hoan tự mình làm. Dần dần, nhu cầu lớn, quy mô xưởng được mở rộng, ông chuyển ra ngoài đường lớn, tuyển thêm người để làm. Cơ sở của ông Thoan vừa thu mua ô tô cũ "xẻ thịt" lấy linh kiện, vừa sửa chữa, cung ứng các loại máy móc, động cơ mới.

Thợ xẻ thịt ô tô và nguyên tắc bán phế liệu, không bán lương tâm - 5

Nhu cầu sử dụng linh kiện cũ cao nên những người làm nghề "xẻ thịt" ô tô có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng mà không yêu cầu nhiều về trình độ tay nghề.

"Cơ sở của tôi đang có 30 công nhân lao động, mức lương từ 10-25 triệu đồng, tùy vị trí. Riêng đội "xẻ thịt" ô tô có mức lương từ 10-13 triệu đồng/người/tháng theo tay nghề", ông Thoan nói.